791 lượt xem

Thông tin y khoa cần biết về Bệnh lao phổi

Bệnh lao là một trong những căn bệnh truyền nhiễm phổ biến nhất hiện nay. Trong đó lao phổi chiếm tỷ lệ cao nhất (80-85%). Vi khuẩn lao có thể xâm nhập từ phổi lan đến các cơ quan khác trong cơ thể và gây nguy hiểm cho sức khỏe của người mắc bệnh. Bệnh này xuất hiện ở mọi giới tính, lứa tuổi và dễ dàng lây qua đường không khí. Vì vậy hiểu biết rõ về bệnh lao phổi cũng là cách để chúng ta bảo vệ sức khỏe của mình, cũng là bảo vệ sức khỏe của những người xung quanh.

Thông tin y khoa cần biết về Bệnh lao phổi

Khám lâm sàng chẩn đoán lao phổi tại Bệnh viện Đa khoa Sông Thương


1. Tìm hiểu chung về Bệnh lao phổi


Bệnh lao phổi (tiếng Anh là Pulmonary Tuberculosis) là bệnh truyền nhiễm qua đường hô hấp, xảy ra khi vi khuẩn M.Tuberculosis xâm nhập.


Trong điều kiện tự nhiên, vi khuẩn này có thể tồn tại từ 3 – 4 tháng. Trong phòng thí nghiệm, vi khuẩn lao có thể được bảo quản trong nhiều năm. Nếu ở dưới ánh nắng mặt trời, vi khuẩn này sẽ chết trong vòng 1,5 giờ và sống được 5 phút khi bị chiếu tia cực tím.


Vi khuẩn lao do Robert Koch phát hiện (1882), vì vậy còn được gọi là Bacilie de Koch (viết tắt là BK). Vi khuẩn lao thuộc họ Mycobacterium. Mycobacteria là các vi khuẩn hiếu khí, thường có dạng trực khuẩn mảnh hơi cong, không di động, kích thước 0,2µm - 0,6µm x 1,0µm - 10µm. Vi khuẩn lao nuôi cấy phát triển rất chậm, trung bình mỗi lần phân chia sau 48-72h, thường 1-2 tháng mới tạo được khuẩn lạc trên môi trường đặc Loeweinstein.


Theo thông báo của tổ chức Y tế thế giới, Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ mắc lao cao, đứng thứ 10/30 nước có tỷ lệ mắc lao cao nhất toàn cầu, đồng thời đứng thứ 11/30 nước có gánh nặng bệnh lao đa kháng thuốc cao trên thế giới. Số bệnh nhân lao các thể được phát hiện trong những năm qua khoảng từ 102.000 đến 108.000 người bệnh, (tỷ lệ 108/100.000 dân). Tỷ lệ đa kháng thuốc trong số bệnh nhân mới là 4,1%, trong số người đã từng điều trị lao là 17% .


Tình hình bệnh lao tỉnh Bắc Giang giai đoạn năm 2016-2020, theo báo cáo tổng kết của phòng Chỉ đạo tuyến - Bệnh viện Phổi tỉnh, giai đoạn năm 2016 đến năm 2020 đã phát hiện được từ 1979 đến 2220 trường hợp mắc lao, số bệnh nhân lao kháng đa thuốc được phát hiện từ 28 đến 30 bệnh nhân/năm.


Theo các chuyên gia cho biết, không phải cứ nhiễm vi khuẩn lao đều bị mắc bệnh lao phổi. Khi xâm nhập vào cơ thể, vi khuẩn sẽ bị tấn công bởi hệ miễn dịch. Ở những người có suy giảm miễn dịch ( HIV, Đái tháo đường, đang điều trị hóa chất…., vi khuẩn lao sẽ sinh sôi nảy nở và gây bệnh, thời gian phát bệnh nhanh. Ngược lại, ở những người có hệ miễn dịch khỏe mạnh, bệnh sẽ phát rất chậm, có khi đến vài chục năm, thậm chí là không phát bệnh.


2. Triệu chứng mắc lao phổi


Khi bệnh lao tiến triển, tùy vào từng cơ quan mà vi khuẩn lao gây bệnh thì người bệnh có thể biểu hiện những triệu chứng khác nhau. Đối với lao phổi, bệnh nhân thường có các triệu chứng sau đây:


- Ho kéo dài, có thể ho khan hoặc kèm theo đờm, máu. Người bệnh có thể ho từ 3 tuần đến vài tháng. Đây là triệu chứng điển hình và có ý nghĩa quan trọng trong phát hiện bệnh lao.

- Đau tức ngực, thỉnh thoảng lên cơn khó thở.

- Thường xuyên đổ mồ hôi về đêm.

- Sốt nhẹ, ớn lạnh lúc chiều tối.

- Chán ăn, cơ thể suy nhược và thường bị sút cân.

- Cơ thể mệt mỏi và yếu ớt, không có sức.


Các chẩn đoán ban đầu dựa vào triệu chứng đặc thù của bệnh. Khi bệnh nhân có các triệu chứng điển hình của lao phổi, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện các xét nghiệm chuyên sâu để chẩn đoán chính xác hơn.


Những đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh lao phổi:


- Tiếp xúc gần với người mắc bệnh lao như người nhà, người chăm sóc, bạn bè thân thiết,…

- Sống và làm việc tại những nơi có bệnh nhân lao như bệnh viện, trạm y tế, trại tị nạn,…

- Người bị mắc các bệnh gây suy yếu hệ miễn dịch như HIV, bệnh gan, lách,…

- Người sống ở những nơi có điều kiện y tế chưa phát triển hoặc đi từ vùng có dịch bệnh lao.


3. Chẩn đoán lao phổi


Năm 2011, WHO đưa ra hướng dẫn chẩn đoán lao phổi, các bước chẩn đoán có thể điều chỉnh tùy thuộc điều kiện nguồn lực và khả năng thực hiện ở các quốc gia.


1. Sàng lọc dựa trên triệu chứng lâm sàng nghi lao: Ho kéo dài, sốt về chiều, mệt mỏi, sút cân.

2. Xét nghiệm đờm sử dụng các phương pháp như lấy đờm tự nhiên, lấy đờm tác động, đờm đồng nhất, soi đèn Led.

3. Chụp phim Xquang ngực, cần chú ý Xquang có độ nhạy cao hơn soi đờm, tuy nhiên độ đặc hiệu thấp.

4. Xét nghiệm phát hiện TB liporabinomanans (LAMs), là sự hiện diện của thành phần glycolipid của thành tế bào M. tuberculosis, có thể phát hiện những kháng nguyên này trong nước tiểu những trường hợp mắc lao toàn phát.

5. Xét nghiệm sinh học phân tử: Gene Xpert và Xpert MTB/RIF, PCR, LPA… giúp cải thiện khả năng chẩn đoán lao nhạy cảm và lao kháng thuốc.. Những kỹ thuật này có độ nhạy cao để phát hiện M. tuberculosis, đặc biệt những trường hợp lao soi đờm âm tính, phát hiện kháng RMP là một chỉ điểm để phát hiện sớm lao đa kháng.

 6. Xét nghiệm nuôi cấy, nhạy cảm thuốc không được chỉ định thường xuyên ở những nước có nguồn lực hạn chế, xét nghiệm này mất nhiều thời gian và được sử dụng để khẳng định trường hợp kháng thuốc.


4. Chương trình sàng lọc miễn phí người mắc bệnh lao phổi trong cộng đồng


Tại Bệnh viện Đa khoa Sông Thương triển khai chương trình "Sàng lọc miễn phí chẩn đoán người mắc bệnh lao phổi trong cộng đồng" thông qua chụp X-quang và lấy mẫu Xét nghiệm Xpert. Sau khi thăm khám và được bác sĩ chẩn đoán lâm sàng có những dấu hiệu của bệnh lao, người bệnh sẽ được chỉ định chụp Xquang và xét nghiệm Xpert hoàn toàn miễn phí để xác định chắc chắn rằng người bệnh có bị mắc lao phổi hay không. Chương trình này áp dụng cho cả bệnh nhân nội trú và bệnh nhân ngoại trú.


Đối tượng đủ điều kiện làm sàng lọc được chia làm 2 nhóm chính:


- Nhóm 1: Sàng lọc đối tượng có nguy cơ cao.


1. Các người bệnh đã chụp XQ phổi và có tổn thương trên phim nghi ngờ do Lao.

2. Các đối tượng: Đã từng tiếp xúc với người được chẩn đoán bị Lao, có người nhà bị Lao, hoặc đang mắc 1 số bệnh lý gây suy giảm miễn dịch (HIV, Suy thận, đang dùng thuốc ức chế miễn dịch….) và có dấu hiệu của bệnh Lao phổi.


Những bệnh nhân này sẽ được làm xét nghiệm Xpert miễn phí để xác định chắc chắn có bị nhiễm lao hay không.

Số lượng lấy mẫu xét nghiệm Xpert miễn phí: 500 bệnh nhân.


- Nhóm 2: Sàng lọc cho bệnh nhân đái tháo đường nội trú/ngoại trú: Các bệnh nhân đã được chẩn đoán Đái tháo đường.


Những bệnh nhân này sẽ được chụp Xquang và lấy mẫu xét nghiệm Xpert miễn phí với số lượng là:


- Chụp Xquang miễn phí cho người nghi mắc lao phổi: 1000 bệnh nhân

- Lấy mẫu đờm làm xét nghiệm Xpert: 400 bệnh nhân có kết quả phim Xquang bất thường nghi lao.


Thời gian sàng lọc: Từ tháng 6/2022 – tháng 12/2022.


Bệnh lao phổi là một bệnh nguy hiểm nhưng có thể được điều trị khỏi nếu phát hiện sớm và có phác đồ điều trị đúng đắn. Để phòng ngừa bệnh lao, bạn nên chủ động tiêm phòng lao cho mình và cho con cái. Ngoài ra, chúng ta cũng nên chủ động thăm khám sức khỏe định kỳ, xây dựng lối sống khoa học, ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý để tăng sức đề kháng, đẩy lùi mọi bệnh tật.

Bác sĩ CKI. Thân Hồng Hoài - Trưởng khoa Khám bệnh



Bệnh viện khám chữa bệnh BHYT tất cả các ngày trong tuần, kể cả thứ 7, chủ nhật.

Để được tư vấn và hỗ trợ giải đáp chi tiết, Quý khách có thể đăng ký trực tiếp tại Bệnh viện hoặc liên hệ qua số Hotline: 0916 698 115.

Theo dõi Fanpage để được giải đáp thắc mắc nhanh chóng:

https://www.facebook.com/BVDKSongThuongBacGiang


ĐĂNG KÝ KHÁM

Đặt hẹn ngay để nhận tư vấn và xếp lịch khám kịp thời.

Vui lòng nhập họ tên Vui lòng nhập số điện thoại

Chọn ngày khám bệnh

Gian hàng trực tuyến