341 lượt xem

Cẩm nang những điều cần biết về Bệnh vảy nến

Hiện nay, theo thống kê tại Việt Nam có khoảng trên 2 triệu người mắc bệnh vảy nến. Đây là một trong số các bệnh tự miễn về da thường gặp. Bệnh tiến triển theo từng đợt và chưa có thuốc đặc trị. Bệnh vảy nến không gây nguy hiểm, nhưng bệnh khó có thể điều trị triệt để, dễ tái phát và gây ra nhiều triệu chứng khó chịu cũng như gây mất thẩm mỹ cho người bệnh.

Cẩm nang những điều cần biết về Bệnh vảy nến

Hình ảnh người mắc bệnh vảy nến tại Bệnh viện Đa khoa Sông Thương


1. Bệnh vảy nến là gì?


Ở trạng thái bình thường, các tế bào da cũ sau khi chết đi sẽ bong ra và được thay thế bởi các tế bào da mới. Ở bệnh nhân bị vảy nến, các tế bào Lympho T tấn công nhầm vào các tế bào da, việc tấn công này làm kích thích tăng sinh các tế bào da mới để bù đắp. Quá trình trên diễn ra nhanh gấp 10 lần do hiện tượng tăng sinh tế bào, khiến các tế bào da cũ và mới không kịp thay đổi, tích tụ lại một chỗ tạo thành những mảng dày, có vảy trắng hoặc bạc. Bên cạnh đó, các mạch máu sẽ hoạt động mạnh hơn, làm đỏ cả vùng da. Giữa vùng da bị vảy và vùng da bình thường sẽ xuất hiện đường rìa giúp phân biệt rất rõ ràng.


Bệnh có thể khởi phát ở bất kỳ độ tuổi nào nhưng thường thấy ở người trưởng thành dưới 35 tuổi. Tỷ lệ ảnh hưởng ở nam và nữ là như nhau. Mức độ nghiêm trọng của tình trạng này ở mỗi người rất đa dạng. Một vài người chỉ bị kích ứng nhỏ trên da nhưng có trường hợp bệnh nặng đến mức có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống người bệnh.


2. Dấu hiệu của Bệnh vảy nến


Những dấu hiệu và triệu chứng phổ biến của bệnh lý này là:


- Xuất hiện nhiều mảng da đỏ, có vảy dày và óng ánh bạc

- Có nhiều đốm vảy nhỏ (thường thấy ở trẻ em)

- Da khô, nứt nẻ, có khi chảy máu hoặc ngứa ngáy

- Cảm giác ngứa, nóng rát hoặc đau nhức ở vùng da bị ảnh hưởng

- Móng tay dày, có vết lõm hoặc đường rãnh

- Các khớp bị sưng và cứng


Các mảng da bị vảy nến có thể chỉ là một vài điểm nhỏ có vảy trông như gàu hoặc là cả vùng da lớn. Các khu vực dễ bị ảnh hưởng nhất gồm vùng lưng dưới, khuỷu tay, đầu gối, chân, lòng bàn chân, da đầu, mặt và lòng bàn tay.


3. Nguyên nhân mắc Bệnh vảy nến


Các chuyên gia đã chỉ ra một số nguyên nhân bệnh vảy nến sau, mặc dù vẫn chưa thể xác nhận được chính xác các tác nhân gây bệnh:


- Hệ thống miễn dịch xuất hiện sự tấn công của các tế bào bạch cầu Lympho T vào tế bào da.

- Thường xuyên sử dụng các loại đồ uống có cồn như bia, rượu,... và các chất kích thích như cà phê, thuốc lá,...

- Căng thẳng, áp lực kéo dài bởi những vấn đề, khó khăn trong cuộc sống.

- Trầy xước, lở loét trên da, không được chăm sóc đúng cách có gây ra các tình trạng viêm nhiễm.

- Bị ảnh hưởng từ việc sử dụng thuốc điều trị bệnh một cách thường xuyên.

- Thời tiết cũng là một trong số các nguyên nhân gây bệnh, đặc biệt là khi nhiệt độ quá nóng hoặc quá lạnh.

- Tác động xấu từ các ca chấn thương để lại cũng có thể là nguyên nhân gây ra các bệnh lý về da, trong đó có vảy nến.

- Di truyền được cho là nguyên nhân chính gây bệnh vảy nến. Nó tiềm tàng trong cơ thể và có thể bộc phát bất cứ lúc nào do các tác nhân bên ngoài.


Các biện pháp chẩn đoán bệnh vảy nến dựa trên quan sát trực quan da, móng tay, và da đầu của bệnh nhân. Các bác sĩ cũng có thể sinh thiết mẫu da để xét nghiệm nếu các dấu hiệu trực quan không rõ ràng.


4. Phương pháp điều trị Bệnh vảy nến


Mục tiêu trong điều trị vảy nến là ngăn chặn sự phát triển quá nhanh của các tế bào da và loại bỏ những vùng da có vảy. Các lựa chọn chữa bệnh này bao gồm dùng kem và thuốc mỡ bôi lên vùng da bị ảnh hưởng, liệu pháp ánh sáng (liệu pháp quang học), dùng thuốc đường uống hoặc tiêm. Cụ thể các phương pháp điều trị bệnh vảy nến có thể được bác sĩ chỉ định là:


- Điều trị tại chỗ: thường được dùng trong các trường hợp vảy nến nhẹ hoặc trung bình. Ngoài ra có thể được kết hợp với các phương pháp khác để tăng hiệu quả điều trị. Một số các loại thuốc thường được dùng để thoa tại chỗ như: corticosteroid, retinoid, anthralin, hắc ín, dẫn xuất vitamin D3, acid salicylic, ức chế calcineurin.

- Điều trị toàn thân: thường được dùng trong các trường hợp bệnh vảy nến nặng. Các loại thuốc thường được bác sĩ chỉ định bao gồm: cyclosporine, methotrexate và sulfasalazine.

- Quang trị liệu: phương pháp này thường dùng tia sáng như tia UVA, UVB, laser để điều trị vảy nến. Các tia tử ngoại (tia UV) thường sẽ tấn công và gây tổn thương các DNA trong tế bào. Từ đó giúp tiêu diệt các tế bào ở vùng da bị tổn thương.

- Dùng thuốc sinh học: ức chế các thành phần chuyên biệt trong đáp ứng miễn dịch. Tuy nhiên giá thành của các loại thuốc này vẫn còn khá cao nên chưa được sử dụng rộng rãi.


Cách chữa vảy nến sẽ phụ thuốc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh và khả năng đáp ứng của người bệnh với phương pháp điều trị trước đây. Người bệnh sẽ cần thử nhiều loại thuốc khác nhau hoặc kết hợp nhiều phương pháp điều trị để tìm ra cách phù hợp với tình trạng bệnh của bản thân. Tuy nhiên, bệnh thường vẫn tái phát, nhất là khi có yếu tố kích hoạt.


5. Phòng ngừa Bệnh vảy nến


Hiện nay, vẫn chưa có phương pháp điều trị dứt điểm cho loại bệnh da liễu này tuy nhiên chúng ta vẫn có thể hạn chế được nguy cơ bộc phát của bệnh vảy nến bằng những cách sau:


- Không để da bị trầy xước.

- Thiết lập một chế độ sinh hoạt hàng ngày một cách khoa học: không sử dụng các chất kích thích, không ăn đồ cay, nóng,...

- Giữ vệ sinh cho làn da và không tiếp xúc với các yếu tố gây bệnh.

- Nên sử dụng các loại kem dưỡng phù hợp để cung cấp đủ ẩm cho da và các loại kem làm thuyên giảm chứng dị ứng, ngứa ngáy.


Việc điều trị và khắc phục bệnh vảy nến hoàn toàn phụ thuộc vào sự chủ động của người bệnh trong quá trình điều trị. Để tránh các biến chứng nguy hiểm như bệnh tiểu đường, tim mạch hay suy yếu khớp xương,… người bệnh cần đến các cơ sở y tế có chuyên khoa Da liễu uy tín để được chẩn đoán và hỗ trợ điều trị bệnh từ sớm. Khi đến thăm khám tại Bệnh viện Đa khoa Sông Thương, người bệnh sẽ được các Bác sĩ chuyên khoa Da liễu khám và cấp đơn thuốc để điều trị bệnh vảy nến. Bên cạnh đó, bác sĩ sẽ tư vấn cho người bệnh chế độ ăn uống hợp lí và sinh hoạt điều độ nhằm nâng cao sức đề kháng để tránh bệnh tái phát lại. 

Bác sĩ Trần Thị Dung - Phòng khám Da liễu


Bệnh viện khám chữa bệnh BHYT tất cả các ngày trong tuần, kể cả thứ 7, chủ nhật.

Để được tư vấn chi tiết, Quý khách có thể đăng ký trực tiếp tại Bệnh viện hoặc liên hệ qua số Hotline: 0916 698 115.

Theo dõi Fanpage để được giải đáp thắc mắc nhanh chóng:

https://www.facebook.com/BVDKSongThuongBacGiang

ĐĂNG KÝ KHÁM

Đặt hẹn ngay để nhận tư vấn và xếp lịch khám kịp thời.

Vui lòng nhập họ tên Vui lòng nhập số điện thoại

Chọn ngày khám bệnh

Gian hàng trực tuyến

 slider
 slider
 slider