130 lượt xem

PHÒNG TRÁNH NGUY CƠ NGỘ ĐỘC THỰC PHẨM NGÀY TẾT

Trong dịp Tết, nguy cơ ngộ độc thực phẩm càng cao do nhu cầu tích trữ lượng lớn các loại thực phẩm để sử dụng dần trong các ngày Tết, cũng như khó kiểm soát nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm. Vì vậy, chúng ta cần trang bị cho mình những kiến thức để phòng tránh và xử lý khi bị ngộ độc.

PHÒNG TRÁNH NGUY CƠ NGỘ ĐỘC THỰC PHẨM NGÀY TẾT


1. Ngộ độc thực phẩm là gì?


Ngộ độc thực phẩm hay còn gọi là ngộ độc thức ăn (trúng thực), là tình trạng người bệnh bị trúng độc, ngộ độc do ăn uống phải những thức ăn, thức uống bị nhiễm khuẩn, nhiễm độc hoặc các loại thực phẩm bị biến chất, ôi thiu, vượt quá liều lượng cho phép các chất bảo quản, chất phụ gia,…


Nếu ngộ độc ở mức độ nhẹ, người bệnh có thể hồi phục sau vài ngày. Trong trường hợp bị nặng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, thậm chí có thể dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời.


2. Nguyên nhân gây ra ngộ độc thực phẩm


Do bảo quản không đúng cách


Để không phải đi chợ mỗi ngày trong những ngày Tết, nhiều người đã mua một lúc rất nhiều thực phẩm và cất trữ trong tủ lạnh để chế biến dần. Thức ăn bảo quản trong tủ lạnh quá lâu hoặc với nhiệt độ không phù hợp khiến thực phẩm bị nhiễm khuẩn. Việc lưu trữ thức ăn lâu ngày hoặc thức ăn bị ôi thiu làm thực phẩm bị biến chất, phát sinh ra các chất gây độc hại… làm tăng cao nguy cơ ngộ độc thực phẩm.


Do thực phẩm không rõ nguồn gốc


Đôi khi nguyên nhân dẫn đến ngộ độc thực phẩm là do ăn phải những thực phẩm được nuôi trồng, chế biến tại các khu vực có nguồn nước, đất bị ô nhiễm. Hoặc do dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, phụ gia thực phẩm còn đọng lại trong thức ăn… cũng gây ngộ độc cho người ăn phải.


Do ăn phải những thực phẩm có sẵn chất độc


Một số thực phẩm vốn chứa sẵn chất độc như cá nóc, mật cá trắm, nấm độc, khoai tây mọc mầm,… Khi ăn phải các thực phẩm này sẽ có khả năng cao bị ngộ độc.


3. Triệu chứng ngộ độc thực phẩm


Đối với các trường hợp ngộ độc thực phẩm thông thường sẽ bao gồm các triệu chứng:


- Đau quặn bụng

- Tiêu chảy phân lỏng trên 3 lần trong 24 giờ.

- Buồn nôn, nôn


Các triệu chứng ngộ độc thực phẩm có khả năng đe dọa tính mạng như:


- Sốt cao hơn 39 độ C

- Các triệu chứng mất nước bao gồm: Háo nước, da khô, môi khô, mắt trũng, tay chân lạnh,...

- Tiểu ít, nước tiểu vàng sậm hoặc không có nước tiểu

- Mạch nhanh, tụt huyết áp, thở nhanh, biểu hiện mệt mỏi, li bì, dễ bị kích thích, co giật, ngưng tim, ngưng thở

- Đặc biệt ở trẻ nhỏ: môi khô, lưỡi khô, phản xạ uống nước kém, mắt má trũng, khóc không ra nước mắt, tã trẻ không ướt trong 2-3 giờ,...


4. Cách sơ cứu khi bị ngộ độc thực phẩm


Sơ cứu cơ bản

Khi bị ngộ độc thực phẩm, cách sơ cứu thông dụng nhất khi người bệnh còn tỉnh táo là để người bệnh nghỉ ngơi, uống nhiều nước, dùng một số cách để người bệnh nôn được. Sau khi đã nôn hết, người bệnh cần được nghỉ ngơi và uống điện giải để cân bằng nước cho cơ thể, chống mất nước, đồng thời giúp trung hòa chất độc trong cơ thể, hạn chế tác hại của chất độc trong cơ thể.

Tuy nhiên, chỉ gây nôn với những người bệnh còn tỉnh, với trường hợp người bệnh hôn mê, tuyệt đối không nên gây nôn vì có thể gây sặc thức ăn và gây tắc thở.


Đưa người bệnh đến bệnh viện

Sau khi sơ cứu cơ bản nên đưa người bệnh đến các cơ sở y tế để có biện pháp xử trí thích hợp, tránh tổn thương cho hệ tiêu hóa và cơ thể. Những trường hợp người bệnh có những triệu chứng bất thường cần nhanh chóng đưa người bệnh đi cấp cứu tại các cơ sở y tế.


5. Cách phòng tránh ngộ độc thực phẩm dịp tết


Chọn thực phẩm còn tươi sống


Nên chọn mua thực phẩm ở những nơi uy tín và bảo quản hợp vệ sinh, chọn thực phẩm còn tươi sống, không có mùi lạ, ôi thiu, nên mua hoa quả, trái cây theo đúng mùa vụ.

Với những thực phẩm chế biến sẵn, nên chọn những nơi uy tín, chú ý đến hạn sử dụng, nơi sản xuất, thành phần của thực phẩm.


Chế biến và bảo quản thực phẩm đúng cách

Nên ăn chín uống sôi, không để lẫn thức ăn chín và thức ăn sống với nhau.

Thực phẩm sống cần được rửa sạch rồi bảo quản ở nhiệt độ phù hợp trong tủ lạnh, không để chung các thực phẩm sống với thực phẩm chín khi bảo quản trong tủ lạnh.


Giữ gìn vệ sinh

Rửa tay sạch sẽ trước và sau khi chế biến thực phẩm, đồng thời rửa tay trước và sau khi ăn cơm để phòng ngừa ngộ độc thực phẩm.

Vệ sinh sạch sẽ các dụng cụ, đồ dùng chế biến thực phẩm, vệ sinh nơi bảo quản thực phẩm (tủ lạnh) để tránh vi khuẩn trú ngụ, sinh sôi.


Để bảo vệ sức khỏe trong những ngày tết, mỗi người cần chủ động bảo vệ sức khỏe của bản thân, kỹ lưỡng trong ăn uống. Khi có triệu chứng bất thường cần đến ngày cơ sở y tế gần nhất để được điều trị kịp thời.


------------

BỆNH VIỆN ĐA KHOA SÔNG THƯƠNG

HOTLINE: 0204 3686 333 - 0916 698 115

FANPAGE: https://www.facebook.com/BVDKSongThuongBacGiang

ZALO: https://zalo.me/bvdksongthuong

ĐỊA CHỈ: 256-258 Lê Lợi, phường Hoàng Văn Thụ, TP. Bắc Giang, Bắc Giang.

ĐĂNG KÝ KHÁM

Đặt hẹn ngay để nhận tư vấn và xếp lịch khám kịp thời.

Vui lòng nhập họ tên Vui lòng nhập số điện thoại

Chọn ngày khám bệnh

Gian hàng trực tuyến