Thói quen ăn uống không điều độ vào ngày tết là tác nhân chính gây áp lực lên hệ tiêu hóa của chúng ta và gây ra các bệnh như là: viêm loét dạ dày, trào ngược thực quản, ngộ độc thực phẩm, nhiễm trùng đường tiêu hóa, xuất huyết dạ dày… Một số trường hợp nghiêm trọng có thể đe dọa đến tính mạng người bệnh nếu không cấp cứu kịp thời.
Một số bệnh lý tiêu hóa thường gặp vào ngày tết
- Đầy hơi, chướng bụng
Đây là tình trạng suy giảm chức năng hệ tiêu hóa nhiều người mắc phải nhất trong dịp Tết. Người bệnh sẽ có cảm giác khó chịu ở vùng bụng và thượng vị do thức ăn chưa kịp tiêu hóa.
Nguyên nhân chủ yếu do ăn uống thiếu kiểm soát, chế độ dinh dưỡng nhiều chất đạm và béo, uống nhiều nước có gas. Ngoài ra, việc hệ tiêu hóa quá tải, không kịp phân hủy còn gây ra tình trạng rối loạn co cơ, yếu cơ bụng và tích tụ khí.
- Ngộ độc thực phẩm, dị ứng thức ăn
Đây là hiện tượng cơ thể không tiếp nhận được thức ăn đưa vào, thường là do thực phẩm đã hư hỏng, hoặc chứa phần thành phần dị ứng với cơ thể. Hệ tiêu hóa sẽ có phản ứng với những thực phẩm này nhằm đào thải các chất độc ra khỏi cơ thể.
Người bệnh thường sẽ có những triệu chứng như buồn nôn hoặc nôn, suy giảm sức khỏe, cơ đau thắt ở bụng hoặc thượng vị, ớn lạnh… tùy theo lượng chất độc có trong thức ăn. Những triệu chứng này sẽ xuất hiện ngay sau vài giờ người bệnh ăn các thực phẩm gây nhiễm trùng dẫn đến ngộ độc hoặc dị ứng.
- Táo bón
Thay đổi thói quen ăn uống, thiếu chất xơ… khiến nhu động ruột giảm tần suất hoạt động, làm phân khó đào thải qua hậu môn. Táo bón gây khó chịu cho người bệnh vì cảm giác trướng bụng, khó đi vệ sinh. Một số trường hợp nặng, người bệnh sẽ có các cơn đau bụng dữ dội và đi vệ sinh có máu.
- Đau dạ dày
Đau dạ dày là cảm giác đau thắt ở vùng thượng vị kèm những triệu chứng như đầy bụng, ợ hơi, ợ chua, nóng rát, đôi lúc gây buồn nôn và nôn. Tất cả những điều này xảy ra do tổn thương hoặc nhiễm trùng ở thành niêm mạc dạ dày. Nguyên nhân khá đa dạng, phổ biến nhất là do chất lượng thực phẩm và rối loạn hệ tiêu hóa. Trong đó, chất lượng thực phẩm là nguyên nhân thường gặp nhất gây đau dạ dày cấp tính.
- Viêm loét dạ dày
Viêm loét dạ dày là giai đoạn nghiêm trọng hơn của đau dạ dày thường gặp vào dịp Tết. Nếu không điều trị dứt điểm, để tình trạng viêm loét diễn ra quá lâu hoặc liên tục, thành niêm mạc sẽ bị vi khuẩn hoặc acid bào mòn dẫn đến hiện tượng loét dạ dày; gây ra những cơn đau cường độ cao hơn khiến người bệnh mất sức.
- Trào ngược dạ dày thực quản
Chứng ợ nóng là triệu chứng điển hình nhất của bệnh lý trào ngược dạ dày thực quản. Khi cơ thể hấp thụ lượng thức ăn có tính chất kích thích acid tiết ra, gây tổn thương cơ thắt thực quản, suy giảm chức năng. Bệnh gây ra cảm giác khó nuốt, gây đau khi người bệnh cố nuốt thức ăn do thực quản bị chít hẹp và có những cơn đau khu trú ở vùng mũi ức hoặc vùng cao sau xương ức. Nếu không được điều trị sớm, người bệnh sẽ đối mặt với những bệnh tiêu hóa nguy hiểm hơn như loét thực quản, hẹp thực quản hoặc Barrett thực quản.
- Hội chứng ruột kích thích
Người bệnh sẽ gặp những triệu chứng như bụng sôi, đau quặn, đầy hơi, chướng bụng, mót rặn… Một số triệu chứng khác có thể gặp như buồn nôn, ăn nhanh no, nóng ở vùng thượng vị, có cảm giác vướng ở họng… Đây là bệnh có tỷ lệ mắc cao nhất trong số các bệnh lý đại trực tràng - ống hậu môn. Hội chứng này tuy không đe dọa đến tính mạng, nhưng nếu kéo dài ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng sống của người bệnh.
- Viêm loét đại tràng
Bệnh có những dấu hiệu điển hình như đại tiện ra máu, mót rặn, sốt, sụt cân, đau bụng... và gây ra những biến chứng nguy hiểm như nứt hậu môn, rò và áp xe hậu môn, hẹp đại tràng, phình đại tràng. Đây là một bệnh mạn tính, lâu dài gây viêm ruột. Người mắc viêm loét đại tràng thường có các triệu chứng như giảm cân, đau bụng, tiêu chảy, táo bón...
Ngoài ra, người bệnh có thể đối mặt với nhiều bệnh lý khác về tiêu hóa như ợ chua, tiêu chảy, viêm tụy cấp, nhiễm trùng đường tiêu hóa, bệnh về gan gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và chất lượng sống của người bệnh sau Tết.
Một số biện pháp để phòng ngừa bệnh lý tiêu hóa ngày tết:
- Thức ăn phải được nấu chín kỹ, tránh dùng lại đồ ăn cũ trong nhiều ngày. Các thực phẩm ôi thiu, nấm mốc… đều phải bỏ đi;
- Kiểm soát lượng thức ăn nạp vào trong mỗi bữa ăn;
- Tránh nằm ngay sau ăn, hay nằm sấp, giảm thiểu áp lực lên vùng thượng vị;
- Uống đủ nước và hạn chế rượu bia, thuốc lá;
- Có thể sử dụng gừng để làm thuyên giảm cơn đau bụng. Sử dụng chuối, táo và bánh mì để giảm triệu chứng tiêu chảy;
- Sử dụng các loại thuốc hỗ trợ tiêu hóa hoặc giảm đau. Tuy nhiên, người bệnh cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng, tránh khiến tình trạng nặng hơn;
Ngay khi có những dấu hiệu không thể kiểm soát hoặc trở nặng, người bệnh phải đến ngay cơ sở y tế để các bác sĩ chuyên khoa thăm khám, chẩn đoán để có chỉ định điều trị phù hợp.
------------
BỆNH VIỆN ĐA KHOA SÔNG THƯƠNG
HOTLINE: 0204 3686 333 - 0916 698 115
FANPAGE: https://www.facebook.com/BVDKSongThuongBacGiang
ZALO: https://zalo.me/bvdksongthuong
ĐỊA CHỈ: 256-258 Lê Lợi, phường Hoàng Văn Thụ, TP. Bắc Giang, Bắc Giang.
Bạn chưa có Tài khoản? Vui lòng đăng ký Tài khoản mới tại đây