177 lượt xem

VIÊM NHA CHU - BỆNH LÝ NGUY HIỂM, ĐỪNG CHỦ QUAN

Viêm nha chu là hiện tượng nhiễm trùng nướu nặng không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của răng mà còn có thể gây ra những vấn đề nghiêm trọng cho cơ thể của bạn. Hãy cùng đọc bài viết dưới đây để biết thêm thông tin về bệnh viêm nha chu cũng như cách chăm sóc và điều trị bệnh đúng cách.

 VIÊM NHA CHU - BỆNH LÝ NGUY HIỂM, ĐỪNG CHỦ QUAN

1. Viêm nha chu là bệnh gì?


Viêm nha chu là một bệnh lý phổ biến ở khoang miệng, được gây ra bởi vi khuẩn và các vi sinh vật khác tích tụ trên bề mặt của răng và trong các túi nha chu, dẫn đến viêm nhiễm và tổn thương cho mô xung quanh.


Đây là tình trạng viêm mạn tính, có thể gây ra tổn thương cho xương và mô nướu, dẫn đến mất răng và tăng nguy cơ cho các vấn đề sức khỏe khác như đột quỵ và đau tim nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách.


2. Các triệu chứng của bệnh viêm nha chu


Những dấu hiệu sau thường là biểu hiện của bệnh viêm nha chu và có thể thay đổi tùy vào cơ thể mỗi người.Người bệnh cần đi khám để được điều trị kịp thời nếu gặp phải các triệu chứng dưới đây:


  • Lợi bị sưng đỏ, chảy máu, thường xuyên khi đánh răng.


  • Hơi thở có mùi hôi.


  • Cảm giác mềm khi chạm vào nướu, có thể xuất hiện mủ giữa răng và nướu


  • Răng lung lay có thể dẫn đến mất răng


  • Nhai đau


  • Tụt nướu.


  • Vôi răng, cao răng đóng thành mảng


3. Nguyên nhân của bệnh viêm nha chu


Mảng bám: Mảng bám là một lớp màng được tạo thành khi tinh bột và đường trong thức ăn tương tác với vi khuẩn trong miệng. Nếu không vệ sinh răng miệng đúng mảng bám có thể dẫn đến viêm nướu và tiến triển thành viêm nha chu.


Cao răng: Mảng bám có thể cứng lại dưới đường viền nướu và hình thành cao răng, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển. Nếu không loại bỏ mảng bám và cao răng chứa đầy vi khuẩn sẽ gây tổn thương cho mô nướu và xương.


Sưng nướu: Mảng bám có thể gây kích ứng và sưng nướu, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập và gây ra viêm nướu. Nếu không được điều trị, vi khuẩn có thể tạo ra những hõm sâu giữa nướu và răng, gây ra viêm nha chu và thậm chí mất răng.


Yếu tố nội tiết và yếu tố di truyền: Thay đổi nội tiết và tiền sử gia đình có người mắc bệnh lý răng miệng cũng có thể tăng nguy cơ mắc bệnh viêm nha chu.


Thuốc: Một số loại thuốc có thể làm giảm lưu lượng nước bọt, tăng nguy cơ mắc bệnh viêm nha chu do khoang miệng thiếu nước bọt để bảo vệ răng và nướu.


Tình trạng sức khỏe: Các bệnh như ung thư gây suy giảm hệ thống miễn dịch và đái tháo đường cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm nha chu, do hệ thống miễn dịch yếu và dễ nhiễm trùng.


4. Phương pháp điều trị và phòng ngừa bệnh viêm nha chu


Có ba phương pháp chính để điều trị viêm nha chu, bao gồm điều trị khẩn cấp, điều trị không cần phẫu thuật và điều trị phẫu thuật.


Đối với điều trị khẩn cấp, việc sử dụng thuốc kháng sinh và kháng viêm thường được áp dụng để giảm triệu chứng và ngăn chặn sự tiến triển của bệnh. Điều trị này chỉ mang tính tạm thời và không khắc phục được nguyên nhân gốc rễ của bệnh.


Phương pháp điều trị không cần phẫu thuật thường được áp dụng cho các trường hợp viêm nha chu nhẹ đến trung bình. Bao gồm việc sử dụng thuốc kháng sinh, cạo vôi và làm sạch gốc răng, và một số biện pháp khác như chỉnh sửa răng lung lay và thay thế miếng trám kết hợp với phục hình nha khoa.


Đối với những trường hợp viêm nha chu nặng việc điều trị phẫu thuật là cần thiết. Phương pháp này bao gồm loại bỏ túi nha chu, tái tạo xương và mô bằng cách sử dụng ghép xương hoặc ghép nướu và các phương pháp khác như phẫu thuật vạt và tái tạo mô có hướng dẫn.


Sau khi điều trị, người bệnh cần nhớ lịch tái khám mà bác sĩ đã hẹn để ngăn ngừa bệnh tái phát.


Các biện pháp phòng ngừa bệnh viêm nha chu bao gồm:


Chăm sóc răng miệng đúng cách: Chải răng ít nhất hai lần mỗi ngày, ít nhất hai phút mỗi lần, sử dụng bàn chải răng mềm và kem đánh răng chứa fluoride. Sử dụng nước súc miệng có chứa fluoride sau mỗi bữa ăn và trước khi đi ngủ để loại bỏ mảng bám và ngăn ngừa sự hình thành của cao răng.


Sử dụng chỉ nha khoa: Sử dụng chỉ nha khoa ít nhất một lần mỗi ngày để loại bỏ mảng bám và thức ăn bám ở kẽ răng.


Khám răng định kỳ: Thăm bác sĩ nha khoa để làm sạch răng ít nhất mỗi 6 đến 12 tháng một lần.


Ăn uống khoa học và hợp lý: Tăng cường việc tiêu thụ rau xanh và trái cây để cung cấp dưỡng chất và tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.


Thói quen chăm sóc răng miệng: Bắt đầu và duy trì thói quen chăm sóc răng miệng đúng cách từ khi còn bé và duy trì suốt cuộc đời để ngăn ngừa bệnh viêm nha chu nói riêng và các bệnh về răng hàm mặt nói chung


Nếu bạn phát hiện dấu hiệu của bệnh viêm nha chu, hãy liên hệ ngay tới hotline của BVĐK Sông Thương: 0916.698.115 để được thăm khám và điều trị kịp thời. Tránh để bệnh kéo dài có thể dẫn đến mất răng hoặc cần phải nhổ bỏ răng.


ĐĂNG KÝ KHÁM

Đặt hẹn ngay để nhận tư vấn và xếp lịch khám kịp thời.

Vui lòng nhập họ tên Vui lòng nhập số điện thoại

Chọn ngày khám bệnh

Gian hàng trực tuyến