384 lượt xem

ỨNG PHÓ VỚI NGỘ ĐỘC THỰC PHẨM

Chất lượng vệ sinh thực phẩm tại các nhà hàng, quán ăn vỉa hè luôn là vấn đề mà mọi người quan tâm. Và không phải cơ sở kinh doanh thực phẩm nào cũng đảm bảo đủ các tiêu chuẩn vệ sinh cần thiết. Hiện nay, tình trạng ngộ độc thực phẩm ngày càng tăng cao, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của mỗi người. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho bạn dấu hiệu nhận biết ngộ độc thực phẩm và cách xử lý khi không may gặp phải.

ỨNG PHÓ VỚI NGỘ ĐỘC THỰC PHẨM

Ngộ độc thực phẩm


Ngộ độc thực phẩm là tình trạng khi người bệnh tiêu thụ thức ăn hoặc đồ uống bị nhiễm khuẩn, nhiễm độc, hoặc bị biến chất do các nguyên nhân như ôi thiu, hết hạn sử dụng, không được chế biến, bảo quản đúng cách,...


Ngộ độc thực phẩm có thể gây ra các triệu chứng nhẹ và nặng tùy thuộc vào mức độ nhiễm độc cũng như cơ thể của mỗi người. Đối với các trường hợp nhẹ, người bị ngộ độc thực phẩm có thể tự hồi phục sau vài ngày. Nhưng, đối với các trường hợp nặng có thể xảy ra những biến chứng nghiêm trọng, thậm chí là tử vong. Vì vậy người bị ngộ độc thực phẩm cần phải được điều trị kịp thời tại các cơ sở y tế để tránh xảy ra những trường hợp đáng tiếc.


Nguyên nhân gây ra ngộ độc thực phẩm


Vi khuẩn Salmonella: Thường xuất hiện trong thực phẩm như thịt gia cầm, trứng, sản phẩm từ sữa, phô mai và thức ăn chế biến từ chúng.


Độc tố tụ cầu Staphylococcus: Có thể xuất hiện trong thực phẩm như sữa, thịt gia cầm, động vật chưa nấu chín.


Độc tố vi khuẩn Clostridium botulinum: Thường xuất hiện trong thực phẩm ươn, ôi thiu, các loại thực phẩm đóng hộp không được bảo quản đúng cách.


Độc tố vi nấm Aflatoxin: Có thể xuất hiện trong các loại hạt và các sản phẩm từ chúng khi bị nấm mốc.


Các loại virus: Như viêm gan A (HAV) và Norwalk, thường xuất hiện trong rau sống, thực phẩm chế biến nguội, và các loại hải sản sống.


Sán lá gan nhỏ: Thường tồn tại trong các thực phẩm như hải sản sống và những người có thói quen ăn gỏi cá.


Tồn dư các kim loại nặng: Như asen, chì, thủy ngân, có thể xuất hiện trong thực phẩm do ô nhiễm môi trường hoặc do quá trình chế biến.


Thuốc bảo vệ thực vật và các chất phụ gia không an toàn: Sử dụng quá mức, không đúng cách, hoặc quá thời hạn có thể gây ra ngộ độc thực phẩm.


Triệu chứng của ngộ độc thực phẩm


Các dấu hiệu của ngộ độc thực phẩm có thể thay đổi tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra và cơ địa của mỗi người, nhưng thông thường sẽ gồm các triệu chứng như sau:


Sau khi người bệnh bị ngộ độc các triệu chứng có thể xuất hiện sau vài giờ hoặc vài ngày


Các triệu chứng thông thường bao gồm:


- Đau bụng: Mức độ đau bụng có thể đau âm ỉ hoặc đau từng cơn


- Tiêu chảy: là biểu hiện thứ 2 của ngộ độc thực phẩm, đi ngoài ra phân lỏng hoặc nước nhiều lần trong ngày, khiến niêm mạc đường tiêu hóa bị viêm, gây mất nước (thường kéo dài không quá 3 ngày ở mức nhẹ)


- Đau đầu, chóng mặt, đau nửa đầu, đau nhức 2 bên thái dương, gây cảm giác khó chịu


- Buồn nôn và nôn là biểu hiện thông thường ở nhiều người, là phản ứng tự nhiên của cơ thể muốn đào thải các chất độc ra ngoài.


- Mệt mỏi, chán ăn, nhạt miệng, cảm giác chướng bụng đầy hơi, khó tiêu.


Người bệnh cần tiếp tục theo dõi các triệu chứng, nếu kéo dài quá 3 ngày hoặc có những biểu hiện nặng hơn cần phải đến bệnh viện, phòng khám để được điều trị kịp thời.


Biến chứng nguy hiểm của ngộ độc thực phẩm


Rối loạn thần kinh: do tác động của độc tố lên hệ thần kinh, gây ra các vấn đề về thị giác, thần kinh vận động như mắt nhìn mờ, nhìn đôi, khó phát âm, tê liệt cơ, co giật..


Rối loạn tim mạch: một số biểu hiện như tụt huyết áp, tim đập nhanh, khó thở, tức ngực.


Hệ tiêu hóa bị ảnh hưởng: xuất hiện máu và chất nhầy trong phân, các cơn đau bụng dữ dội.


Sức đề kháng suy giảm: do ảnh hưởng của độc tố lên hệ miễn dịch làm cho cơ thể dễ bị nhiễm trùng và mất khả năng đối phó với các bệnh tật khác.


Cách sơ cứu ngộ độc thực phẩm


Gây nôn: Nếu người bị ngộ độc còn tỉnh táo và chưa bị mất ý thức, cần dùng mọi biện pháp để kích thích người bệnh nôn để loại bỏ chất độc khỏi cơ thể. Sử dụng ngón trỏ đã được rửa sạch ép vào lưỡi để kích thích họ nôn.Trong quá trình gây nôn cần đảm bảo người bệnh nằm nghiêng và kê cao phần đầu để tránh trào ngược vào phổi hoặc bị sặc, ngạt thở.


Bù nước, điện giải: Cần cho người bệnh uống nhiều nước hoặc dung dịch oresol để bù phần nước bị mất. Lưu ý khi pha dung dịch oresol cần pha đúng định lượng và theo hướng dẫn sử dụng, không được sử dụng quá liều.


Đưa người bệnh đi cấp cứu: Nếu người bệnh có các triệu chứng nghiêm trọng như co giật, rối loạn ý thức, hoặc suy hô hấp hoặc khi đã thực hiện các biện pháp sơ cứu mà người bệnh vẫn không có dấu hiệu đỡ hơn thì cần được đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán chính xác và thăm khám kịp thời.


Nếu bạn và người thân đang gặp phải các triệu chứng của ngộ độc thực phẩm hãy liên hệ ngay cho hotline của BVĐK Sông Thương: 0916.698.115 để được thăm khám và có phương án xử lý kịp thời.


------------

BỆNH VIỆN ĐA KHOA SÔNG THƯƠNG

HOTLINE: 0204 3686 333 - 0916 698 115

FANPAGE: https://www.facebook.com/BVDKSongThuongBacGiang

ZALO: https://zalo.me/bvdksongthuong

ĐỊA CHỈ: 256-258 Lê Lợi, phường Hoàng Văn Thụ, TP. Bắc Giang, Bắc Giang.

ĐĂNG KÝ KHÁM

Đặt hẹn ngay để nhận tư vấn và xếp lịch khám kịp thời.

Vui lòng nhập họ tên Vui lòng nhập số điện thoại

Chọn ngày khám bệnh

Gian hàng trực tuyến

 slider
 slider
 slider