278 lượt xem

Tăng Huyết Áp Gây Ảnh Hưởng Tới Người Bệnh Như Thế Nào?

Tăng huyết áp đang gây ảnh hưởng đến khoảng 972 triệu người trên thế giới (năm 2000). Con số này được ước tính là vào khoảng 1,56 tỷ người vào năm 2025.

Tăng Huyết Áp Gây Ảnh Hưởng Tới Người Bệnh Như Thế Nào?

Tăng huyết áp là gì?

Huyết áp là áp lực máu trong lòng mạch, gồm có hai trị số: huyết áp tâm thu (số đầu) là áp lực máu trong lòng mạch lúc tim co bóp và huyết áp tâm trương (số sau) là áp lực máu trong lòng mạch lúc tim thư giãn (ví dụ: huyết áp 120/70 mmHg). Hệ thống mạch máu trong cơ thể giống như các ống dẫn, đưa máu đến các cơ quan.

Hệ thống ống dẫn này nếu chịu một áp lực cao lâu ngày sẽ bị phình giãn (thành ống yếu đi, dễ bị rách hay vỡ), hoặc cứng lại mất tính đàn hồi mềm mại, hoặc lớp bên trong bị tổn thương và tích tụ các mảng xơ vữa gây hẹp và bít tắc dần. Tất cả các mạch máu lớn (động mạch chủ, động mạch cảnh, động mạch đùi…) và mạch máu nhỏ (mạch máu ở đáy mắt, cầu thận, não…) toàn thân đều bị ảnh hưởng bởi bệnh tăng huyết áp.

Tăng huyết áp gây ảnh hưởng gì?

Bệnh tăng huyết áp nếu để lâu không điều trị hoặc điều trị không kiểm soát được huyết áp sẽ dẫn tới các vấn đề sau:

Gây bệnh về mắt

Tăng huyết áp có thể gây các bệnh lý về mắt, khiến mắt bị khô, mờ, thậm chí gây mù mắt.

Huyết áp cao gây tổn thương các mạch máu nhỏ ở đáy mắt (nằm phía sau nhãn cầu, gọi là võng mạc, nơi thu nhận hình ảnh khi nhìn), gọi là bệnh võng mạc do tăng huyết áp. Tổn thương mạch máu ở võng mạc mức độ nhẹ đến vừa có thể không gây triệu chứng gì, chỉ phát hiện được khi khám mắt, chụp võng mạc.

Khi đó sẽ thấy các mạch máu này đi ngoằn ngoèo, cứng, có chỗ hẹp, co thắt hoặc bị phù nề, nặng hơn là xuất huyết sau võng mạc hay phù gai thị dẫn đến nhìn mờ hoặc mù mắt.

Do đó, người bệnh tăng huyết áp cần khám mắt định kỳ, chụp võng mạc để phát hiện sớm biến chứng này. Điều trị kiểm soát huyết áp tốt giúp phòng tránh bệnh võng mạc do tăng huyết áp.



Ảnh hưởng đến mạch máu

Ở người bệnh tăng huyết áp, áp lực trong mạch máu luôn ở mức cao dần khiến mạch máu mất tính đàn hồi và trở nên xơ cứng. Động mạch có thể bị giãn, phình, có nguy cơ vỡ, gây chảy máu và dẫn đến tử vong.

Gây hại cho tim

Huyết áp cao gây áp lực cho thành mạch máu, khiến tim phải làm việc nhiều hơn để chống lại áp lực này, gây phì đại cơ tim, suy tim, tim to. Các mạch máu bị tổn thương do huyết áp cao tạo tiền đề hình thành các mảng bám và cục máu đông, cản trở cung cấp máu cho tim.

Ảnh hưởng đến não

Các nghiên cứu cho thấy tăng huyết áp làm tăng nguy cơ xuất huyết não gấp 10 lần. Huyết áp cao là nguyên nhân của 80% các cơn đau tim và đột quỵ. Tăng huyết áp có thể gây tình trạng thiếu máu não thoáng qua, khiến người bệnh hoa mắt, chóng mặt, suy giảm nhận thức nhẹ, mất trí nhớ,....

Gây suy thận

Nếu tăng huyết áp làm hư hại các mạch máu trong thận sẽ khiến thận mất chức năng lọc, làm hẹp động mạch thận và gây suy thận.

Ảnh hưởng đến giấc ngủ

Những người bị huyết áp cao có nhiều khả năng bị ngưng thở khi ngủ (OSA). Ngược lại, trường hợp ngưng thở khi ngủ nghiêm trọng có thể góp phần làm tăng nặng bệnh huyết áp kể cả khi người bệnh vẫn dùng thuốc.

Gây mất xương

Huyết áp tăng có thể gây rối loạn chuyển hóa canxi, cụ thể là làm tăng đào thải canxi của cơ thể, đặc biệt là ở phụ nữ lớn tuổi. Mất canxi kéo dài có thể gây mất xương hoặc gãy xương do loãng xương.

Ngoài ra, tăng huyết áp có thể gây rối loạn chức năng tình dục và ảnh hưởng đến thai kỳ.

Nếu có bệnh tăng huyết áp, người bệnh nên chủ động và kiên trì điều trị, thực hiện lối sống lành mạnh và thăm khám thường xuyên để kiểm soát bệnh.

----

BỆNH VIỆN ĐA KHOA SÔNG THƯƠNG

HOTLINE: 0204 3686 333 - 0916 698 115

FANPAGE: https://www.facebook.com/BVDKSongThuongBacGiang

ZALO: https://zalo.me/bvdksongthuong

ĐỊA CHỈ: 256-258 Lê Lợi, phường Hoàng Văn Thụ, TP. Bắc Giang, Bắc Giang.

ĐĂNG KÝ KHÁM

Đặt hẹn ngay để nhận tư vấn và xếp lịch khám kịp thời.

Vui lòng nhập họ tên Vui lòng nhập số điện thoại

Chọn ngày khám bệnh

Gian hàng trực tuyến

 slider
 slider
 slider