Đục thủy tinh thể là nguyên nhân dẫn đến mù lòa hàng đầu trên toàn thế giới. Do đó, việc nhận biết dấu hiệu của bệnh ngay từ giai đoạn đầu sẽ giúp người bệnh có thể chủ động trong việc thăm khám và điều trị bệnh hiệu quả.
1. Đục thủy tinh thể là gì?
Thủy tinh thể là dạng thấu kính trong suốt, hai mặt lồi, nằm ở sau mống mắt (lòng đen).
Thủy tinh thể có chức năng điều tiết nhằm cho ánh sáng đi qua và hội tụ tại võng mạc giúp cho chúng ta có thể nhìn thấy mọi vật.
Khi thuỷ tinh thể bị mờ đục, không còn trong suốt thì ánh sáng sẽ bị cản trở khi đi qua đây. Từ đó, người bệnh sẽ bị mờ mắt, hay còn gọi là bệnh đục thuỷ tinh thể.
Ở giai đoạn đầu, bệnh chỉ gây ảnh hưởng đến một phần nhỏ của thuỷ tinh thể nên người bệnh gần như không nhận thấy các dấu hiệu rõ rệt. Khi đục thủy tinh phát triển sẽ khiến thị lực bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
2. Dấu hiệu nhận biết đục thủy tinh thể
Mắt mờ như có màng sương che phủ trước mắt
Ở giai đoạn đầu, bệnh đục thủy tinh thể rất ít khi làm ảnh hưởng đến tầm nhìn của người bệnh. Đôi khi, người bệnh sẽ có cảm thấy mọi vật hơi mờ đi giống như có màn sương mỏng che mắt. Tuy nhiên, triệu chứng này sẽ tăng dần theo thời gian, màng mờ sẽ ngày càng dày lên và làm cho mọi vật mờ đi rõ rệt.
Cảm giác khó nhìn vào ban đêm
Khi thủy tinh thể tiến triển nhanh sẽ làm giảm dần tầm nhìn của người bệnh vào ban đêm, gây khó khăn cho việc lái xe nhất là khi gặp ánh đèn xe ngược chiều. Vì vậy, nếu bạn nghi ngờ mình bị đục thủy tinh thể, hãy cẩn thận khi lái xe về ban đêm vì lúc này tầm nhìn của bạn có thể bị ảnh hưởng.
Nhìn lóa và chói mắt, nhạy cảm với ánh sáng
Nhìn lóa mắt và chói mắt, nhạy cảm với ánh sáng là dấu hiệu phổ biến khi bị đục thủy tinh thể. Ánh sáng chói khiến cho người bệnh có cảm giác đau mắt và khó chịu khi tiếp xúc. Nhạy cảm với ánh sáng giúp bác sĩ có thể chẩn đoán bệnh đục thủy tinh thể trước khi bệnh có thể tiến triển nặng hơn.
Người bệnh xuất hiện quầng sáng ở mọi nơi
Đục thủy tinh thể có thể khiến nhiễu ánh sáng đi vào mắt. Điều này sẽ gây ra các vầng sáng xung quanh bóng đèn, bóng điện, mặt trời… Quầng sáng này đôi khi sẽ có màu sắc khác nhau. Đây là lý do tại sao những người bị đục thủy tinh thể khi lái xe vào ban đêm trở nên nguy hiểm khi xuất hiện đèn đường hay đèn pha xe chiếu vào mắt.
Phải thay kính mới liên tục
Nếu phải thường xuyên thay đổi độ kính, có thể bạn đang bị đục thủy tinh thể. Bởi lẽ, việc thay kính mới không thể khắc phục được việc giảm thị lực. Lúc này, bạn cần đi khám để được tư vấn và phát hiện bệnh sớm.
Mọi vật khi nhìn đều có màu nâu vàng
Dấu hiệu của đục thủy tinh thể dễ dàng nhận biết là khi nhìn, mọi vật đều có màu nâu vàng.
Khi đục thủy tinh thể tiến triển nặng, protein co cụm lại thành từng đám khiến cho thủy tinh thể của bạn chuyển sang màu vàng hoặc màu nâu. Do đó, khi bạn nhìn mọi vật gần như đều có màu nâu vàng sẫm giống như đang đeo mắt kính râm, bệnh làm giảm khả năng nhận biết màu sắc của người bệnh.
Nhìn sự vật thành hai, thành ba
Nhiễu xạ từ đục thủy tinh thể có thể khiến cho bạn nhìn sự vật thành hai, ba thậm chí là nhiều hơn nữa. Khi đục thủy tinh thể tiến triển nặng thì triệu chứng này có thể mất đi. Ngoài đục thủy tinh thể, một số bệnh lý khác có thể dẫn đến hiện tượng này: u não, sưng giác mạc, đa xơ cứng, đột quỵ,…
Phương pháp duy nhất để điều trị triệt để bệnh đục thủy tinh thể là phẫu thuật thay thủy tinh thể nhân tạo. Bệnh viện Đa khoa Sông Thương với hơn 20 năm kinh nghiệm trong phẫu thuật thay thủy tinh thể bằng phương pháp Phaco, giúp người bệnh nhanh chóng khôi phục thị lực.
Đăng ký thăm khám và nhận tư vấn trực tiếp qua Hotline: 0916 698 115
BỆNH VIỆN ĐA KHOA SÔNG THƯƠNG
HOTLINE: 0204 3686 333 - 0916 698 115
FANPAGE: https://www.facebook.com/BVDKSongThuongBacGiang
ZALO: https://zalo.me/bvdksongthuong
ĐỊA CHỈ: 256-258 Lê Lợi, phường Hoàng Văn Thụ, TP. Bắc Giang, Bắc Giang.
Ngọc Lan
Bạn chưa có Tài khoản? Vui lòng đăng ký Tài khoản mới tại đây