Bệnh trĩ là căn bệnh phổ biến, gây nhiều khó chịu và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, nhiều người thường e ngại, giấu giếm bệnh lý này cho đến khi bệnh trở nặng mới tìm đến bác sĩ.
Bệnh trĩ là tình trạng các tĩnh mạch ở hậu môn và trực tràng dưới bị giãn ra. Bệnh trĩ có tên tiếng Anh là Hemorrhoids. Bệnh trĩ nếu phát triển bên trong trực tràng gọi là trĩ nội; còn nếu phát triển dưới da xung quanh hậu môn gọi là trĩ ngoại.
1. Dấu hiệu nhận biết bệnh trĩ
Trĩ nội: người bệnh thấy dịch nhầy vùng hậu môn tăng tiết. Khi đi ngoài, người bệnh có bị chảy máu, trầy xước gây viêm nhiễm, ngứa. Bạn đi ngoài nhưng có cảm giác chưa đi hết phân ra ngoài.
Trĩ nội được chia thành 4 độ khác nhau:
+ Trĩ độ 1: mức độ nhẹ nhất, búi trĩ vẫn nằm hoàn toàn trong ống hậu môn và chưa lòi ra ngoài.
+ Trĩ độ 2: khi đi đại tiện, búi trĩ lòi ra ngoài và có thể tự chui vào lại sau đại tiện.
+ Trĩ độ 3: búi trĩ lòi ra ngoài khi đại tiện. Búi trĩ chỉ vào lại vị trí cũ khi bạn dùng tay đẩy vào.
+ Trĩ độ 4: khi không đại tiện, búi trĩ thường xuyên lòi ra ngoài, nhất là khi bạn ngồi xổm, làm việc nặng hoặc đi lại nhiều.
Trĩ ngoại: có dấu hiệu ngứa, sưng, đau xung quanh hậu môn. Bạn có thể nhìn và sờ thấy có một hoặc nhiều cục u bất thường nổi quanh hậu môn. Đôi khi có chảy máu, tăng tiết dịch nhầy, có thể bị rò rỉ phân. Hình ảnh búi trĩ ngoại cũng có đặc điểm giống như trĩ nội bị sa ra ngoài.
2. Nguyên nhân phổ biến gây bệnh trĩ
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh trĩ, phổ biến có thể kể đến như là:
- Khi mang thai: Thai nhi lớn dần gây áp lực lên các tĩnh mạch ở hậu môn và trực tràng, dẫn đến sưng và đau. Hormone progesterone trong thai kỳ cũng góp phần làm giãn thành tĩnh mạch, khiến bệnh trĩ nặng hơn.
- Ngồi hoặc đứng một chỗ quá lâu: Ngồi hoặc đứng lâu khiến máu dồn ứ ở vùng hậu môn, làm tăng áp lực lên các tĩnh mạch, dễ dẫn đến giãn nở, gây bệnh trĩ.
- Ít vận động: Lười vận động khiến cơ hậu môn trực tràng yếu đi, ảnh hưởng đến nhu động ruột, dẫn đến táo bón.
- Nâng vật nặng hàng ngày: Khiêng vác vật nặng thường xuyên gây áp lực lên các cơ quan nội tạng và tĩnh mạch gần trực tràng.
- Thường xuyên căng thẳng khi đi tiêu: Căng thẳng khiến bạn rặn mạnh, tăng áp lực lên các tĩnh mạch, dẫn đến sưng phồng.
- Thói quen ngồi trong bồn cầu quá lâu: Ngồi lâu khi đi vệ sinh khiến máu ứ đọng ở vùng hậu môn.
- Xem thường các triệu chứng táo bón hoặc tiêu chảy: Táo bón và tiêu chảy đều làm tăng áp lực lên tĩnh mạch trĩ, gây sưng phồng búi trĩ.
3. Biến chứng nguy hiểm của bệnh trĩ
Bệnh trĩ có thể diễn ra ở một giai đoạn hoặc kéo dài suốt đời. Có người từng bị trĩ mà không biết mình mắc bệnh. Phần lớn, người bệnh chỉ đến bệnh viện khi búi trĩ đã lớn, cọ xát, chảy máu, đau rát. Song việc điều trị trĩ ở giai đoạn nặng khó hơn do trĩ lâu ngày, biến chứng:
- Thiếu máu: do hậu môn thường xuyên chảy máu dẫn đến suy giảm hồng cầu trong máu khiến người bệnh kiệt sức, suy nhược, có khi phải truyền máu.
- Trĩ sa nghẹt: búi trĩ lòi ra ngoài hậu môn và không thể tụt vào trong có thể gây tắc các mạch máu, có thể dẫn đến biến chứng hoại tử búi trĩ.
- Tắc mạch: khi tình trạng máu lưu thông bị ứ trệ thì cục máu đông hình thành trong mạch máu của búi trĩ. Biến chứng này gây đau, có thể hoại tử.
- Viêm loét, nhiễm trùng: có thể viêm da quanh hậu môn, viêm nhú hoặc viêm khe gây ngứa ngáy, đau rát vùng hậu môn. Nhiễm trùng xảy ra khi có loét hoặc hoại tử búi trĩ, làm vết thương tiếp xúc với phân chứa lượng lớn vi trùng.
- Ung thư đại trực tràng: người bị bệnh trĩ có nguy cơ ung thư đại trực tràng gấp 2,9 lần. Việc điều trị trĩ giúp giảm 50% nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng.
4. Phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh trĩ
Để bệnh trĩ không trở thành nỗi lo, đặc biệt với những người có nguy cơ cao mắc bệnh trĩ, cần có ý thức dự phòng sớm với một số cách sau đây:
- Hạn chế ngồi quá lâu một chỗ: Trung bình cứ ngồi khoảng 50 phút, bạn nên đứng dậy vận động 5-10 phút. Việc này giúp máu lưu thông tốt hơn, đồng thời giảm áp lực cho vùng hậu môn, hạn chế hình thành búi trĩ.
- Đi đại tiện vào một thời gian cố định trong ngày: Thói quen này vô cùng có lợi, giúp cân bằng chức năng của hệ tiêu hóa ngăn ngừa táo bón, nhưng không phải ai cũng chú ý để làm theo. Cần đi đại tiện ngay khi có nhu cầu, không nên nhịn và không dùng lực mạnh khi đi.
- Vệ sinh vùng hậu môn sạch sẽ: Sau khi đi vệ sinh cần sử dụng các loại khăn giấy mềm để lau, tránh cọ xát gây xước vùng quanh hậu môn, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập và gây ra bệnh trĩ.
- Có thói quen tập thể dục đều đặn: Người ít vận động có nguy cơ bị trĩ cao gần gấp 2 lần bình thường. Vậy nên để tránh áp lực dồn nén vùng hậu môn, máu lưu thông tốt, trung bình mỗi ngày bạn cần vận động ít nhất 30 phút: đơn giản là đi bộ nhẹ nhàng hoặc tham gia vào các hoạt động khác như cầu lông, bóng đá, bóng chuyền, bơi lội,..
- Thay đổi thói quen ăn uống: Chế độ ăn không lành mạnh sẽ dễ dẫn đến táo bón hoặc tiêu chảy. Chính vì vậy cần có thói quen ăn uống khoa học và hợp lý:
+ Bổ sung nhiều chất xơ: mỗi ngày nên dung nạp từ 25-30 gram các loại thực phẩm giàu chất xơ như các loại đậu, củ cải, khoai lang, bí đỏ, súp lơ, các loại rau xanh, và trái cây như cam, chuối, bơ, táo, thanh long,...;
+ Chú ý uống đủ nước theo trọng lượng cơ thể mỗi người: trung bình 1,5-2 lít nước, nếu có thể hãy bổ sung thêm sinh tố hoa quả;
+ Hạn chế các loại đồ ăn khó tiêu, cay nóng, nhiều dầu mỡ;
+ Hạn chế các loại đồ uống chứa chất kích thích như rượu bia, đồ uống có ga.
Với những bệnh nhân đã cắt trĩ càng cần lưu ý đến các biện pháp phòng trĩ bởi tỷ lệ tái phát sẽ rất cao nếu không tuân thủ chế độ dinh dưỡng. Ngoài ra, người bệnh cũng nên thường xuyên thăm khám bác sĩ định kỳ để theo dõi sát sao tình hình tiến triển bệnh.
Khi đã nắm được nguyên nhân gây ra bệnh trĩ cũng như cách phòng tránh, người dân hoàn toàn có thể kiểm soát được bệnh trĩ. Hãy tạo cho mình thói quen sinh hoạt điều độ, chế độ ăn lành mạnh khoa học ngay từ bây giờ.
Với đội ngũ bác sĩ chuyên nghiệp, giàu kinh nghiệm, cùng hệ thống trang thiết bị hiện đại, Bệnh viện Đa khoa Sông Thương cam kết mang đến cho khách hàng dịch vụ cắt trĩ hiệu quả, an toàn, ít xâm lấn, giúp phục hồi sức khỏe nhanh chóng.
Quý khách hàng có nhu cầu đặt lịch khám vui lòng liên hệ qua Hotline: 0916 698 115.
------------
BỆNH VIỆN ĐA KHOA SÔNG THƯƠNG
HOTLINE: 0204 3686 333 - 0916 698 115
FANPAGE: https://www.facebook.com/BVDKSongThuongBacGiang
ZALO: https://zalo.me/bvdksongthuong
ĐỊA CHỈ: 256-258 Lê Lợi, phường Hoàng Văn Thụ, TP. Bắc Giang, Bắc Giang.
Bạn chưa có Tài khoản? Vui lòng đăng ký Tài khoản mới tại đây