183 lượt xem

ĐAU LƯNG DO THOÁT VỊ ĐĨA ĐỆM

Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng là một trong những chẩn đoán phổ biến nhất về thoái hóa cột sống, ảnh hưởng đến 3% dân số và là nguyên nhân chính dẫn đến các ca phẫu thuật cột sống ở người trưởng thành. Tại Việt Nam và trên toàn thế giới, thoát vị đĩa đệm là bệnh lý xương khớp hàng đầu. Tham khảo bài viết dưới đây để biết thêm các thông tin cần thiết về bệnh thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng nhằm nâng cao nhận thức và giúp bạn chủ động hơn trong việc chăm sóc sức khỏe.

ĐAU LƯNG DO THOÁT VỊ ĐĨA ĐỆM

Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng là gì ?


    Cấu tạo đĩa đệm cột sống gồm ba phần chính: nhân nhầy, vòng sợi và mỏm sụn.


Nhân nhầy (nucleus pulposus) nằm ở trung tâm của đĩa đệm, có tính chất gelatin và chứa nhiều nước cùng các chất mucopolysaccharide, giúp đĩa đệm hoạt động như một bộ giảm xóc bằng cách phân tán lực nén và chấn động.


Bao quanh nhân nhầy là vòng sợi (annulus fibrosus), được cấu tạo từ nhiều lớp sợi collagen tạo thành một vòng bao bọc cứng cáp, giúp giữ nhân nhầy ở vị trí trung tâm và phân phối đều áp lực lên đĩa đệm khi có lực nén.


Mỏm sụn (cartilaginous endplates) là lớp sụn mỏng nằm giữa đĩa đệm và thân các đốt sống trên và dưới, kết nối đĩa đệm với thân đốt sống, bảo vệ đĩa đệm và tham gia vào quá trình thẩm thấu chất dinh dưỡng từ các mạch máu trong thân đốt sống vào đĩa đệm.


    Sự phối hợp chặt chẽ giữa các thành phần này giúp đĩa đệm phân phối tải trọng, duy trì khoảng cách giữa các đốt sống, cung cấp sự linh hoạt cho cột sống và ngăn ngừa những cử động quá mức. Tuy nhiên, do phải thích nghi với áp lực lớn và chấn động mạnh, nhưng lại được nuôi dưỡng chủ yếu bằng cách thẩm thấu máu nên đĩa đệm dễ bị loạn dưỡng và thoái hóa theo thời gian, dẫn đến các vấn đề như thoát vị đĩa đệm.


    Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng là tình trạng đĩa đệm ở vùng thắt lưng bị tổn thương, mất khả năng đảm nhiệm vai trò giảm xóc và nâng đỡ phần trên cơ thể. Điều này xảy ra do vòng sợi bao bọc đĩa đệm bị rách hoặc đứt, khiến nhân nhầy bên trong thoát ra ngoài và chèn ép vào các rễ thần kinh xung quanh. Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng thường gặp ở nam giới trong độ tuổi từ 35-50, đặc biệt là những người phải mang vác nặng, ngồi nhiều và lệch tư thế hoặc sinh hoạt sai tư thế. Tình trạng này cũng trở nên nghiêm trọng hơn theo tuổi tác do sự thoái hóa tự nhiên của cơ thể.


    Các vị trí dễ bị thoát vị nhất là các đốt sống L4-L5 và L5-S1, do chúng nằm ở khu vực bản lề của cột sống, nơi phải gánh chịu trọng tải của nửa trên cơ thể và chịu áp lực lớn từ các hoạt động hàng ngày như cúi người và bê vác.


    Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng là một trong những bệnh lý xương khớp thường gặp và nguy hiểm nhất, không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc di chuyển và sinh hoạt của người bệnh, mà còn có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như teo cơ và bại liệt hoàn toàn.


Một số triệu chứng thường gặp


    Bệnh thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng gây ra nhiều triệu chứng đa dạng và phức tạp, có thể được tóm tắt như sau:


Đau chân: cơn đau lan tỏa dọc theo chiều dài của dây thần kinh bị chèn ép (đau thần kinh tọa), từ lưng dưới xuống chân, thường nặng hơn đau thắt lưng.


Đau dây thần kinh: đau buốt, như có điện xuyên qua.


Không cố định vị trí đau: cảm giác đau có thể xuất hiện ở lưng dưới, gần mông, mặt trước hoặc mặt sau của đùi, bắp chân, bàn chân và/hoặc ngón chân, thường chỉ ảnh hưởng đến một bên cơ thể.


Triệu chứng về thần kinh: Tê bì chân tay, cảm giác nhói như kim châm, yếu và/hoặc ngứa ran ở chân, bàn chân và/hoặc ngón chân. Khó nhấc chân khi đi bộ hoặc đứng trên bàn chân.


Đau tại vị trí thoát vị: Cơn đau buốt tại cột sống lưng, có thể âm ỉ hoặc dữ dội, thường tái phát, đặc biệt khi làm việc nặng. Cảm giác tê giống như bị kiến bò từ mông lan dần ra sau hoặc một bên chân. Cơn đau tăng dần khi ngồi, hắt hơi hoặc ho.


Hội chứng rễ thần kinh: vùng phân bố của rễ thần kinh bị tổn thương gây cảm giác ngứa ran, đau buốt và tê nóng.


Hạn chế vận động: Các hoạt động như cúi ngửa, đứng ngồi và đi lại khó thực hiện do lưng bị cứng, khả năng vận động càng bị hạn chế thì chứng tỏ rằng mức độ chèn ép càng nặng.


Các triệu chứng khác: Mệt mỏi, chán ăn, mất ngủ, có thể kèm theo sốt và sút cân. Căng cơ hoặc chuột rút ở vùng thắt lưng và suy giảm chức năng tình dục. Mất kiểm soát bàng quang và ruột nhưng thường hiếm gặp.


    Các triệu chứng này không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh mà còn có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng nếu không được điều trị kịp thời.


Các phương pháp điều trị


    Điều trị thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng bao gồm các phương pháp nội khoa và ngoại khoa, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh mà bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp.


Phương pháp điều trị nội khoa


- Chườm đá hoặc chườm lạnh: giúp giảm viêm và co thắt cơ, đặc biệt hiệu quả trong 48 giờ đầu tiên sau khi cơn đau bắt đầu.


- Liệu pháp nhiệt: Sau 48 giờ đầu tiên, chườm nóng có thể giúp giảm đau co thắt cơ. Các phương pháp như dùng đệm sưởi ấm, khăn nóng, hoặc tắm nước nóng đều có thể được áp dụng.


- Thuốc giảm đau: sử dụng thuốc chống viêm không steroid (NSAID) như ibuprofen hoặc naproxen để giảm đau và viêm.


- Thuốc giãn cơ: giảm các cơn đau do co thắt cơ liên quan đến thoát vị đĩa đệm.


- Nghỉ ngơi: Giới hạn vận động trong một hoặc hai ngày đối với những cơn đau dữ dội, nhưng tránh nằm lâu vì có thể dẫn đến cứng khớp và đau nhiều hơn. Sau khi giảm đau, nên thực hiện các hoạt động nhẹ và nghỉ ngơi khi cần thiết.


Phương pháp điều trị hỗ trợ


- Vật lý trị liệu: Bao gồm các bài tập kéo giãn cơ lưng và các động tác an toàn giúp phục hồi chức năng, nâng cao hiệu quả điều trị thoát vị đĩa đệm.


- Tiêm thuốc steroid ngoài màng cứng: giảm đau tạm thời để bệnh nhân có thể thực hiện các biện pháp phục hồi chức năng.


    Phẫu thuật thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng sẽ được chỉ định nếu người bệnh gặp phải các trường hợp sau:


- Cơn đau và các triệu chứng khác không giảm sau 6 tuần điều trị nội khoa.


- Người bệnh gặp khó khăn trong việc duy trì các chức năng hàng ngày như đứng hoặc đi bộ.


- Người bệnh có các triệu chứng thần kinh tiến triển như chân ngày càng yếu và/hoặc tê.


- Mất chức năng ở ruột và bàng quang.


- Thuốc, vật lý trị liệu và/hoặc các phương pháp điều trị nội khoa không làm giảm đáng kể các triệu chứng.


    Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng là một căn bệnh nguy hiểm không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống mà còn có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm. Nếu bạn đang gặp phải các triệu chứng trên hãy nhanh chóng liên hệ tới hotline của BVĐK Sông Thương: 0916.698.115 để được thăm khám và điều trị kịp thời.


------------

BỆNH VIỆN ĐA KHOA SÔNG THƯƠNG

HOTLINE: 0204 3686 333 - 0916 698 115

FANPAGE: https://www.facebook.com/BVDKSongThuongBacGiang

ZALO: https://zalo.me/bvdksongthuong

ĐỊA CHỈ: 256-258 Lê Lợi, phường Hoàng Văn Thụ, TP. Bắc Giang, Bắc Giang.

ĐĂNG KÝ KHÁM

Đặt hẹn ngay để nhận tư vấn và xếp lịch khám kịp thời.

Vui lòng nhập họ tên Vui lòng nhập số điện thoại

Chọn ngày khám bệnh

Gian hàng trực tuyến