Các vấn đề về thị lực ở trẻ em không phải lúc nào cũng có biểu hiện rõ ràng đặc biệt khi còn ở giai đoạn sớm, trẻ nhỏ cũng rất hiếm khi chia sẻ với bố mẹ về thị lực của mình. Chính vì vậy, việc cha mẹ nhận biết các dấu hiệu của trẻ cũng như đưa trẻ thăm khám mắt định kỳ là vô cùng quan trọng.
1. Tìm hiểu chung về cận thị
Cận thị (myopia) là tật khúc xạ phổ biến khiến người bệnh khó nhìn thấy vật ở xa nhưng lại nhìn rõ vật rất gần.
Cận thị thường gặp ở lứa tuổi đi học, thanh thiếu niên, nhất là từ 8 – 12 tuổi. Ở tuổi thiếu niên, khi cơ thể phát triển nhanh chóng, tình trạng mắt cận trở nên trầm trọng hơn. Tuy nhiên, đến 20 tuổi trở đi, độ cận ít thay đổi.
Khám mắt cơ bản có thể biết được cận thị. Người bệnh có thể giảm độ mờ bằng kính đeo mắt, kính áp tròng hoặc phẫu thuật khúc xạ.
Phân loại mức độ cận thị
- Cận thị nhẹ: Dưới -3.00 diop
- Cận thị trung bình: Từ -3.25 đến -6.00 diop
- Cận thị nặng: Trên -6.00 diop
Nguyên nhân cận thị
- Do mắt phải nhìn gần thường xuyên, khiến thủy tinh thể phồng lên, làm thay đổi độ khúc xạ của mắt
- Do di truyền (bố và mẹ bị cận thị thì con có nguy cơ mắc 20 - 30%, bố mẹ không bị cận, tỉ lệ mắc là 2.5%)
- Do thói quen sinh hoạt trong điều kiện không đủ ánh sáng, xem tivi, điện thoại, máy tính quá gần...
2. Dấu hiệu nhận biết trẻ bị cận thị
Dưới đây là một vài dấu hiệu mà cha mẹ có thể nhận biết được nếu như con mình đang gặp phải vấn đề về thị lực:
- Dụi mắt thường xuyên, ngay cả khi không buồn ngủ
- Nheo mắt/nghiêng đầu khi nhìn xa
- Đọc sách bị nhảy hàng, phải dò bằng ngón tay
- Chép bài bị thiếu/sai
- Cúi gần để nhìn sách/bảng/tivi
- Thường hay mỏi mắt, nhức đầu, chảy nước mắt
- Không thích nhìn xa
- Sợ ánh sáng chói
- Khó nhìn vào ban đêm
3. Điều trị cận thị
Điều trị cận thị giúp cải thiện thị lực bằng việc tập trung ánh sáng vào võng mạc thông qua kính để điều chỉnh hoặc phẫu thuật khúc xạ.
- Kính mắt: đây là cách đơn giản, an toàn để cải thiện thị lực do cận thị gây ra. Tròng kính đeo mắt cũng có thể được thiết kế điều chỉnh sự kết hợp của các tật khúc xạ như cận thị, loạn thị và viễn thị.
- Kính áp tròng: là những đĩa nhựa nhỏ được đặt trực tiếp trên giác mạc. Một kính áp tròng điều chỉnh được nhiều tật khúc xạ. Kính có nhiều loại vật liệu và yêu cầu bảo quản kỹ lưỡng. Bác sĩ có thể giới thiệu kính áp tròng phù hợp nhất dựa vào tình trạng đã khám và lối sống của người bệnh.
- Phẫu thuật: phương pháp này giúp giảm nhu cầu đeo kính mắt và kính áp tròng. Bác sĩ sử dụng tia laser để định hình lại giác mạc.
Trẻ dưới 18 tuổi chưa thể phẫu thuật cận thị, phải làm gì? Bố mẹ có thể cho trẻ:
- Đeo kính gọng
- Đeo kính áp tròng
- Chỉnh hình giác mạc tạm thời bằng Ortho K
4. Phòng ngừa cận thị ở mắt thế nào?
Cách tốt nhất để phòng ngừa hay làm chậm sự tiến triển cận thị ở trẻ em là tạo cho trẻ thói quen sử dụng mắt tốt.
- Bảo đảm đủ ánh sáng trong các phòng học, lớp học cho trẻ em (Ánh sáng phải được phân bố đều và có cường độ tốt không gây lóa mắt).
- Sách và tài liệu chữ in rõ ràng trên giấy không quá bóng để tránh bị loá mắt.
- Những trẻ cận thị được ưu tiên xếp ngồi gần bảng.
- Không học tập, làm việc bằng mắt liên tục và kéo dài nhiều giờ.
- Cho mắt nghỉ ngơi từ 5 đến 10 phút bằng cách nhắm mắt lại hoặc nhìn ra xa sau mỗi giờ học.
- Không nên đọc sách trong bóng tối hoặc ngồi trước máy vi tính quá nhiều.
- Làm việc ở khoảng cách thích hợp, từ mắt đến sách khoảng 30 – 40 cm.
- Những ngày nghỉ nên cho trẻ sinh hoạt ngoài trời, đi picnic, thể dục thể thao nhẹ cho mắt được nghỉ ngơi thư giãn.
- Bổ sung cho trẻ các loại vitamin như A, B, C, E, Calcium…
Cận thị đang gia tăng ở mức báo động trong những năm gần đây. Các bậc phụ huynh hay quan tâm đến đôi mắt của bé và cho các bé đi khám mắt định kỳ, nhằm phát hiện sớm và điều trị kịp thời.
Đăng ký thăm khám tại chuyên khoa Mắt – BVĐK Sông Thương trực tiếp hoặc qua Hotline 0916 698 115 để chăm sóc và bảo vệ đôi mắt sáng cho con trẻ.
------------
BỆNH VIỆN ĐA KHOA SÔNG THƯƠNG
HOTLINE: 0204 3686 333 - 0916 698 115
FANPAGE: https://www.facebook.com/BVDKSongThuongBacGiang
ZALO: https://zalo.me/bvdksongthuong
ĐỊA CHỈ: 256-258 Lê Lợi, phường Hoàng Văn Thụ, TP. Bắc Giang, Bắc Giang.
Bạn chưa có Tài khoản? Vui lòng đăng ký Tài khoản mới tại đây