Việc tham gia các hoạt động vui chơi ngoài trời dưới thời tiết nắng nóng trong dịp nghỉ lễ 30/4 – 01/5 tiềm ẩn nhiều nguy cơ khiến cơ thể có thể bị sốc nhiệt, say nắng.
1. Hiện tượng say nắng là gì?
Say nắng là tình trạng cơ thể tăng nhiệt độ cao (trên 40 độ C), thường kết hợp với mất nước. Hệ quả là hệ thống điều hòa nhiệt của cơ thể bị mất kiểm soát, gây ra những rối loạn hệ hô hấp, thần kinh, tuần hoàn… Nguyên nhân là do tác động của nắng nóng hay các hoạt động thể lực quá mức. Tình trạng say nắng thường đi kèm với say nóng.
2. Dấu hiệu của người bị say nắng
- Thân nhiệt lên cao (trên 40 độ C);
- Da nóng, đỏ và khô (không ra mồ hôi);
- Mạch nhanh, mạnh;
- Đau đầu, chóng mặt;
- Lú lẫn, kích động, nói lắp, co giật;
- Buồn nôn.
3. Hướng dẫn sơ cứu người bị say nắng
- Nhanh chóng đưa người bị say nắng vào nơi râm mát, nếu người say nắng đang ở ngoài trời nhiệt độ cao.
- Bỏ bớt áo quần, chườm bằng khăn lạnh hoặc nước đá tại các vị trí có động mạch lớn ở gần ngoài da như cổ, bẹn, nách. Dùng khăn đắp nước mát lên người bệnh.
- Ngoài ra, luôn cung cấp kịp thời nước và lượng muối cho cơ thể bị mất qua mồ hôi bằng các loại nước như: trái cây, nước khoáng, hoặc nước đã đun sôi để nguội. Cho người bệnh uống thật từ từ, từng chút một để tránh bị nôn.
- Nếu người bệnh ngất xỉu không thể uống nước hoặc liên tục sốt cao, nôn đi kèm với những biểu hiện như đau ngực, bụng đau, khó thở thì phải chuyển đến cơ sở y tế nhanh chóng. Thường xuyên chườm mát cho người bệnh trong quá trình di chuyển.
4. Phòng ngừa say nắng hiệu quả
- Đội mũ rộng vành, mặc quần áo thoáng mát, dễ hút mồ hôi, rộng rãi, sáng màu.
- Tránh những nơi nắng gắt, không đứng trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời hay đứng ở nơi đông người.
- Hạn chế hoạt động thể lực mạnh, tranh thủ tìm chỗ trú ở nơi có bóng râm. Trong trường hợp nhiệt độ ngoài trời lên tới 39-40 độ C, cố gắng cách 2 tiếng, tắm hoặc vẩy nước lên tay chân hay đắp khăn mát lên người. Mẹo nhỏ này sẽ giúp cơ thể tránh khỏi sự sốc nhiệt.
- Uống đủ nước, dùng các loại dịch không gây lợi tiểu, ví dụ nước lọc, tránh các loại nước có cồn vì chúng càng làm gia tăng tình trạng mất nước. Đồng thời tăng cường thêm nhiều trái cây có chứa vitamin A, vitamin C và vitamin E. Những dinh dưỡng này sẽ giúp cơ thể tăng cường sức đề kháng và phòng tránh được say nắng.
- Nếu cơ thể bắt đầu có dấu hiệu mệt mỏi thì nên nhanh chóng tìm một bóng râm thoáng mát để ngồi nghỉ. Điều này sẽ giúp cơ thể điều tiết lại nhiệt độ và năng lượng. Không nên cố gắng tiếp tục các hoạt động vì nguy cơ bị say nắng hoặc kiệt sức là rất cao.
Say nắng nếu không được xử trí kịp thời có thể dẫn tới những biến chứng nguy hiểm cho người bệnh. Vì vậy, việc chủ động sử dụng các biện pháp chống nắng nóng khi hoạt động ngoài trời trong dịp lễ là vô cùng cần thiết để bảo vệ sức khỏe của chính bạn và người thân.
-----------
BỆNH VIỆN ĐA KHOA SÔNG THƯƠNG
HOTLINE: 0204 3686 333 - 0916 698 115
FANPAGE: https://www.facebook.com/BVDKSongThuongBacGiang
ZALO: https://zalo.me/bvdksongthuong
ĐỊA CHỈ: 256-258 Lê Lợi, phường Hoàng Văn Thụ, TP. Bắc Giang, Bắc Giang.
Bạn chưa có Tài khoản? Vui lòng đăng ký Tài khoản mới tại đây