32 lượt xem

PHÒNG NGỪA ĐỘT QUỴ TRONG THỜI TIẾT NẮNG NÓNG

Hiện nay, cả nước đang bước vào đợt nắng nóng gay gắt nhất của mùa hè, có những nơi chạm ngưỡng hơn 40 độ C. Môi trường nắng nóng với nền nhiệt cao là yếu tố nguy cơ dẫn tới hàng loạt các bệnh lý nguy hiểm, trong đó có đột quỵ não gây tử vong.

PHÒNG NGỪA ĐỘT QUỴ TRONG THỜI TIẾT NẮNG NÓNG


1. Vì sao nắng nóng dễ gây đột quỵ?


Theo nghiên cứu, nguy cơ đột quỵ và yếu tố nhiệt độ có mối liên hệ với nhau. Trong đó, nhiệt độ môi trường tăng cao là một trong những yếu tố làm tăng nguy cơ đột quỵ. Nguy cơ đột quỵ có thể tăng thêm 10% ở một số đối tượng khi nền nhiệt độ môi trường tăng thêm 1 độ C.

Nắng nóng khiến thân nhiệt tăng, cơ thể bài tiết nhiều mồ hôi từ đó gây mất nước. Nếu không bổ sung nước kịp thời, cơ thể sẽ bị mất nước, kết cấu máu cô đặc, kết dính làm suy giảm khả năng lưu thông máu, tăng huyết áp và nguy cơ hình thành cục máu đông trong lòng động mạch. Từ đó, tăng nguy cơ đột quỵ.

Thân nhiệt bị tăng cao quá mức do nắng nóng cũng có thể gây rối loạn chức năng điều phối của hệ thần kinh trung ương. Điều này làm rối loạn hệ tuần hoàn máu và hô hấp, có thể gây thiếu hụt lưu lượng máu lên não.

Ngoài ra, đột quỵ do nắng nóng có thể còn do thời tiết nóng bức kéo dài gây rối loạn quá trình hoạt động của hệ tim mạch, khiến tim hoạt động kém hơn. Người đang ở ngoài trời nắng nóng đi vào phòng lạnh đột ngột cũng có nguy cơ đột quỵ, vì mạch máu bị co lại đột ngột, tăng huyết áp.


Một số yếu tố nguy cơ gây đột quỵ khi nắng nóng khác bao gồm:


- Tuổi tác: Người cao tuổi và trẻ em là đối tượng có nguy cơ bị đột quỵ khi nắng nóng kéo dài. Bởi vì, khả năng thích nghi với sự thay đổi nhiệt độ đột ngột ở hai đối tượng này kém hơn.

- Môi trường: Thường xuyên làm việc, tập luyện, sinh hoạt… trong môi trường tiếp xúc trực tiếp với nắng nóng, thời tiết khắc nghiệt khiến cơ thể dễ bị kiệt sức, dẫn đến nguy cơ đột quỵ não.

- Mắc bệnh lý mạn tính: Người mắc các bệnh mạn tính như bệnh tim, rung nhĩ, tiểu đường, tăng huyết áp, béo phì, bệnh phổi… có nguy cơ bị đột quỵ do nắng nóng cao hơn người khác.

- Thuốc điều trị: Người bệnh đang dùng các loại thuốc như thuốc lợi tiểu, thuốc chống trầm cảm ba vòng, điện giải… dễ bị mất nước khi thời tiết nắng nóng. Kéo theo là gia tăng nguy cơ đột quỵ do cơ thể mất nước và không bổ sung kịp thời.


2. Dấu hiệu đột quỵ do nắng nóng


Đột quỵ do nắng nóng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể đe dọa đến tính mạng hoặc khiến người bệnh phải chịu nhiều di chứng nặng nề như: mất khả năng ngôn ngữ, yếu liệt, tàn phế suốt đời… Do đó, cần nhận biết dấu hiệu đột quỵ do trời nắng nóng để có phương án cấp cứu kịp thời đối với người bệnh.

Một số dấu hiệu nhận biết người bị đột quỵ trong thời tiết nắng nóng:

- Đau đầu, chóng mặt, hoa mắt, thân nhiệt cao nhưng không đổ mồ hôi, tê yếu người, yếu liệt 1 bên hoặc toàn thân, méo mặt, động kinh, tim đập nhanh, thở nông, rối loạn tâm thần, mất phương hướng, ngất xỉu… Sau đó có thể xuất hiện tình trạng trụy mạch, hôn mê.


3. Cách xử trí khi bị đột quỵ trời nắng nóng


Người bị đột quỵ do nắng nóng cần được cứu chữa khẩn cấp để hạn chế nguy cơ biến chứng nặng, hôn mê sâu, suy đa tạng, tổn thương não, thậm chí tử vong. Cách xử lý cứu người bị đột quỵ do nắng nóng bao gồm:

Sơ cấp cứu:

- Đầu tiên, bạn cần nhanh chóng di chuyển người bệnh vào nơi thoáng mát.

- Nới rộng hoặc cởi bỏ quần áo đồng thời lau mát cơ thể người bệnh.

- Nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.

- Lưu ý, trong quá trình sơ cấp cứu không tự ý cho người bệnh ăn uống hay dùng bất cứ thuốc gì. Bởi vì có thể khiến người bệnh bị sặc vào phổi đe dọa đến tính mạng.

Trong trường hợp người bị sốc nhiệt hay đột quỵ do nắng nóng đã ngừng tim (không thấy mạch đập) thì cần nhanh chóng hô hấp nhân tạo bằng cách hà hơi thổi ngạt và ép tim lồng ngực.


Hướng dẫn hà hơi thổi ngạt đúng cách:

- Đặt người bệnh nằm ưỡn cổ và nghiêng sang 1 bên.

- Dùng khăn vải hoặc băng gạc để lấy sạch nước dãi, đờm và đặt khăn mùi soa quanh miệng người bệnh.

- Dùng ngón tay trỏ và ngón cái bịt mũi người bệnh và thổi hơi trực tiếp vào miệng người bệnh.


Hướng dẫn ép tim ngoài lồng ngực đúng cách:

- Đặt chồng hai tay lên nhau và đặt lên vị trí lồng ngực (ngay bên ngoài tim) của người bệnh, hướng tay vuông một góc 90 độ với ngực.

- Dùng lực để ép tim lồng ngực 100 lần/phút.

- Trường hợp chỉ có 1 người sơ cứu thì xen kẽ 2 – 3 lần thổi ngạt với 10 – 15 nhịp ép tim ngoài lồng ngực.

- Nếu có 2 người cấp cứu thì mỗi người đảm nhiệm 1 vai trò thổi ngạt hoặc ép tim và kiên trì thực hiện sơ cứu đến khi tim đập lại, người bệnh hồi phục hơi thở.


4. Phòng ngừa đột quỵ khi thời tiết nắng nóng


Để đối phó với thời tiết nắng nóng và phòng ngừa đột quỵ, bác sĩ đưa ra một số lời khuyên sau:

- Nên uống đủ nước, hạn chế ra ngoài khi trời nắng gắt;

- Điều chỉnh nhiệt độ máy lạnh phù hợp;

- Với người làm việc hay tập luyện ngoài trời cần đảm bảo nghỉ giải lao, mặc quần áo mỏng nhẹ, sáng màu để tránh nhiệt tích tụ;

- Trong trường hợp phải ra ngoài trời khi thời tiết nóng, cần mặc áo chống nắng, mũ rộng vành;

- Người cao tuổi cần hạn chế thay đổi môi trường đột ngột;

- Nên duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, cung cấp đầy đủ protein, tăng cường rau xanh, trái cây hạn chế rượu bia, thức ăn nhanh;

- Tập luyện thể dục đều đặn, phù hợp với độ tuổi và thể trạng


Để phòng ngừa đột quỵ, mỗi người nên chủ động tầm soát sức khỏe định kỳ. Những người có sẵn các bệnh lý nền như rung nhĩ, tăng huyết áp, béo phì, rối loạn lipid máu… cần kiểm soát tốt, tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ, không tự ý bỏ thuốc. 

Người trên 60 tuổi, có rối loạn mỡ máu, bệnh lý đái tháo đường, tăng huyết áp hay tiền sử hút thuốc lá... có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn. Người làm việc ngoài trời với cường độ cao, kéo dài cũng cần cảnh giác. 


Nếu xuất hiện đột ngột triệu chứng bất thường như rối loạn ý thức, nói khó, tê yếu tay chân, méo miệng, chóng mặt, xây xẩm mặt mày, đau đầu cần nhanh chóng gọi cấp cứu và đến cơ sở y tế có năng lực điều trị đột quỵ để được chẩn đoán và xử lý kịp thời. Thời gian vàng để cấp cứu đột quỵ não là 4,5 giờ kể từ khi khởi phát dấu hiệu đầu tiên.

Đăng ký tầm soát sức khỏe định kỳ qua HOTLINE 0916 698 115 để được miễn phí tư vấn trực tiếp.


-----------

BỆNH VIỆN ĐA KHOA SÔNG THƯƠNG

HOTLINE: 0204 3686 333 - 0916 698 115

FANPAGE: https://www.facebook.com/BVDKSongThuongBacGiang

ZALO: https://zalo.me/bvdksongthuong

ĐỊA CHỈ: 256-258 Lê Lợi, phường Hoàng Văn Thụ, TP. Bắc Giang, Bắc Giang.

ĐĂNG KÝ KHÁM

Đặt hẹn ngay để nhận tư vấn và xếp lịch khám kịp thời.

Vui lòng nhập họ tên Vui lòng nhập số điện thoại

Chọn ngày khám bệnh

Gian hàng trực tuyến