47 lượt xem

BỆNH PHỔI TẮC NGHẼN MẠN TÍNH (COPD) CÓ NGUY HIỂM KHÔNG ?

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính được cho là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ 3 trên thế giới. Trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương, Việt Nam là quốc gia đứng đầu về tỷ lệ mắc bệnh COPD. Hãy cùng đọc bài viết dưới đây để có thêm thông tin tổng quát cũng như cách phòng tránh căn bệnh này.

 BỆNH PHỔI TẮC NGHẼN MẠN TÍNH (COPD) CÓ NGUY HIỂM KHÔNG ?

1. Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là gì?


Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD - Chronic Obstructive Pulmonary Disease) là tình trạng viêm niêm mạc đường thở mạn tính gây giảm chức năng thông khí ở phổi, làm hẹp đường thở dẫn đến các triệu chứng khó thở gây suy hô hấp.


Hút thuốc lá và tiếp xúc lâu dài với các chất khí hoặc hạt vật chất kích thích, như khói thuốc lá, khói bụi, hoặc hạt bụi ô nhiễm là nguyên nhân chính của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.


Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính được chia làm 2 loại:


- Viêm phế quản mạn tính: Lớp niêm mạc và lớp lót trong của các ống phế quản bị viêm, sưng tấy đỏ và chứa nhiều chất nhầy gây hẹp đường thở.


- Khí phế thũng: Là tình trạng khi các túi phổi bị tổn thương lâu dài, làm giảm diện tích bề mặt phổi, giảm lượng oxy đi vào máu, gây khó thở và suy hô hấp.


2. Các triệu chứng thường thấy ở bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính


Các triệu chứng sau thường xuất hiện ở giai đoạn đầu, dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lý khác và nếu không được điều trị kịp thời sẽ có xu hướng tiến triển nặng dần:


- Khó thở, thở khò khè: Khó thở khi hoạt động nhiều, thở khò khè do đường thở bị hẹp


- Ho khan dai dẳng có đờm: Người bệnh thường xuyên ho và khạc đờm, tình trạng này có thể kéo dài.


- Nhiễm trùng đường hô hấp: Do sự suy giảm chức năng phổi, người bệnh có nguy cơ cao bị nhiễm trùng đường hô hấp.


- Sưng phù mắt cá chân, bàn chân hoặc chân: Do phổi không thể hoạt động hiệu quả khiến cho lượng nước trong cơ thể bị tích tụ, oxy trong máu giảm dẫn đến hiện tượng sưng phù.


- Giảm cân ngoài ý muốn và thiếu năng lượng: Những người mắc COPD có thể bị sụt cân và luôn cảm thấy mệt mỏi.


- Sốt nhẹ và cảm giác ớn lạnh: Vi khuẩn hoặc vi rút xâm nhập vào đường hô hấp gây ra nhiễm trùng đường hô hấp, cơ thể lúc này sẽ có phản ứng miễn dịch dẫn đến triệu chứng như sốt, ớn lạnh.


Người bệnh có thể trải qua đợt cấp với các triệu chứng trở nên nặng hơn, kéo dài hơn và diễn ra thường xuyên. Đối với các trường hợp nặng hơn, người bệnh sẽ phải cần được can thiệp y tế khẩn cấp như nhập viện, sử dụng kháng sinh, corticoid, hoặc thậm chí là thở máy.


3. Các biến chứng nguy hiểm của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính


COPD nếu không được điều trị kịp thời có thể gây ra một loạt các biến chứng nguy hiểm và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người bệnh.


Tràn khí màng phổi: Tắc nghẽn đường thở kéo dài có thể dẫn đến tích tụ lượng khí trong phế nang, làm căng giãn và vỡ màng phổi, gây ra tình trạng tràn khí màng phổi rất nguy hiểm có thể đe dọa tính mạng nếu không được xử lý kịp thời.


Bệnh tim: Sự cản trở trong việc trao đổi khí và sự giảm oxy trong máu có thể gây ra căng thẳng cho tim và làm tăng áp lực trong tuần hoàn phổi, dẫn đến giãn tim và thậm chí là suy tim phải


Giảm tuổi thọ: Căn bệnh này không chỉ làm giảm chất lượng cuộc sống mà còn làm giảm tuổi thọ của người bệnh. Tình trạng của bệnh càng nặng thì thời gian sống của người bệnh càng ngắn.


Tàn phế: COPD có khả năng gây ra tàn phế cao, ảnh hưởng đến khả năng vận động, hoạt động hàng ngày và mối quan hệ xã hội của người bệnh. Với những bệnh nhân được chỉ định thở oxy sẽ không thể tham gia vào các hoạt động xã hội như bình thường dễ dẫn đến trạng thái trầm cảm và cảm giác cô lập.


4. Biện pháp điều trị và phòng ngừa bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính


Hiện nay bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính chưa có biện pháp điều trị khỏi hoàn toàn tuy nhiên người bệnh có thể điều trị các triệu chứng dưới sự hỗ trợ của các chuyên gia y tế. Quá trình này đòiđỏi hỏi sự kiên nhẫn và tuân thủ nghiêm ngặt từ người bệnh. Dưới đây là một số phương pháp điều trị và quản lý bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.


- Dừng hút thuốc và tránh tiếp xúc với khói thuốc: Việc loại bỏ yếu tố gây hại chính như hút thuốc lá là quan trọng nhất trong việc chữa bệnh và ngăn chặn sự tiến triển của căn bệnh.


- Sử dụng thuốc theo đúng chỉ định: Bác sĩ có thể kê đơn các loại thuốc như corticoid và thuốc giãn phế quản để giảm triệu chứng và cải thiện chức năng hô hấp. Việc sử dụng thuốc đúng liều lượng và cách sử dụng là rất quan trọng để đạt được hiệu quả tốt nhất.


- Tiêm phòng vắc xin cúm và phế cầu: Việc tiêm phòng vắc xin có thể giảm nguy cơ nhiễm trùng đường hô hấp.


- Thực hiện các biện pháp phẫu thuật: Trong một số trường hợp đặc biệt, các biện pháp phẫu thuật như đặt van một chiều nội phế quản hoặc phẫu thuật giảm thể tích phổi có thể được áp dụng để điều trị COPD.


Theo các chuyên gia y tế, để ngăn ngừa và thay đổi tiến triển của bệnh, không hút thuốc là biện pháp đơn giản và hiệu quả nhất, có tác dụng trong mọi giai đoạn của bệnh, kể cả khi chưa xuất hiện triệu chứng hoặc khi bệnh đã trở nặng.


Ngoài ra, mỗi người cần giảm thiểu tiếp xúc với khí độc hại, hóa chất, hoặc bụi bặm. Trong trường hợp phải làm việc trong môi trường có khói bụi, việc sử dụng bảo hộ lao động là cần thiết để bảo vệ hệ hô hấp đúng cách.


Bên cạnh đó, việc tập thể dục đều đặn, luyện tập các bài tập thở tốt cho đường hô hấp và có chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng cũng giúp phòng ngừa bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.


Nếu gặp phải các triệu chứng của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, đừng chủ quan hãy đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị kịp thời. Liên hệ hotline của BVĐK Sông Thương: 0916.698.115 để được tư vấn và đặt lịch khám.


ĐĂNG KÝ KHÁM

Đặt hẹn ngay để nhận tư vấn và xếp lịch khám kịp thời.

Vui lòng nhập họ tên Vui lòng nhập số điện thoại

Chọn ngày khám bệnh

Gian hàng trực tuyến