594 lượt xem

Cảnh báo suy tuyến thượng thận do sử dụng thuốc chứa Corticoid

Corticoid (Glucocorticoids) có tác dụng chống viêm, ức chế miễn dịch, được dùng nhiều trong điều trị các bệnh tự miễn, chống viêm, giảm đau, chống dị ứng, hen xuyễn... Tuy nhiên, việc lạm dụng các loại thuốc chứa glucocorticoids trong thời gian dài có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho người sử dụng. Một trong những tác dụng phụ phổ biến đó là gây suy tuyến thượng thận.

Cảnh báo suy tuyến thượng thận do sử dụng thuốc chứa Corticoid


1. Suy tuyến thượng thận là gì?


Tuyến thượng thận là tuyến nội tiết nhỏ nằm ngay phía trên hai quả thận. Mỗi tuyến thượng thận gồm có hai phần, đó là:


- Phần tủy (bên trong) tiết ra các hormon catecholamin (chủ yếu là epinephrine và 1 lượng nhỏ norepinephrine).

- Phần vỏ (bên ngoài) tiết ra các hormon: Glucocorticoids (chủ yếu là cortisol), Mineralocorticoids (chủ yếu là aldosterone), Androgens (chủ yếu dehydroepiandrosterone và androstenedione).


Những hormon này có vai trò rất quan trọng đối với sự sống của cơ thể chúng ta.


Suy tuyến thượng thận là tình trạng tuyến thượng thận sản xuất giảm glucocorticoids hoặc mineralcorticoids hoặc cả hai, dẫn đến rối loạn các quá trình chuyển hóa trong cơ thể, ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến sức khỏe của bệnh nhân, thậm chí gây tử vong. Nguyên nhân thường gặp trên lâm sàng do điều trị quá liều và kéo dài cortisol hoặc các steroid tổng hợp giống cortisol.


2. Biểu hiện của suy tuyến thượng thận do lạm dụng thuốc chứa Corticoid


Biểu hiện lâm sàng của suy thượng thận do dùng thuốc chứa Corticoid phản ánh tác dụng sinh học của quá trình tiết hormon của vỏ thượng thận gây ảnh hưởng rất nhiều tới tổ chức và hệ thống cơ quan của cơ thể như: hình thể, tâm – thần kinh, hành vi, tổ chức dưới da và tổ chức mỡ, hệ thống cơ xương… Các bệnh nhân thường đi khám ở giai đoạn muộn khi có triệu chứng điển hình. Thậm chí một số bệnh nhân tử vong trước khi được điều trị. Các triệu chứng thường gặp bao gồm:


- Mệt mỏi, rối loạn tiêu hóa…

- Thay đổi hình thể: Sự phân bố của tổ chức mỡ cũng thay đổi gây nên các hiện tượng: mặt tròn, béo trung tâm (béo thân), hố thượng đòn đầy….

- Đỏ da và da mỏng. Những vết rạn da màu đỏ tím rộng từ 0,5 – 2 cm, sờ có cảm giác lõm so với mặt da bình thường. Những vết rạn này thường ở bụng, mông, đùi, nếp lằn vú, nách, khoeo, trường hợp nặng có thể rạn da toàn thân.

- Tăng huyết áp cả tối đa và tối thiểu. Các biến chứng tim, thận, não, mắt… do tăng huyết áp góp phần làm bệnh nặng thêm và tăng tỷ lệ tử vong.

- Rối loạn dung nạp glucose hoặc đái tháo đường.

- Biểu hiện cơ xương khớp: Yếu cơ, teo cơ gốc chi nhưng cơ lực ngọn chi vẫn bình thường. Loãng xương, biểu hiện đau ở khung chậu, đau rễ thần kinh, gãy xương tự nhiên, xẹp đốt sống…

- Rối loạn sinh dục, mất kinh, rối loạn cương dương…

- Rối loạn tâm thần, trầm cảm…


Trường hợp nặng, bệnh nhân có thể bị suy thượng thận cấp. Đây là một cấp cứu nội khoa do thiếu hụt corticoid cấp tính, ít nhiều đi kèm với thiếu corticoid khoáng. Bệnh cảnh lâm sàng thường nặng nhanh trong vài giờ với một số biểu hiện lâm sàng như là: Rối loạn tiêu hóa, rối loạn tâm thần (mệt lả đến hôn mê, hoặc ngược lại kích thích, nói sảng, lẫn lộn…), hạ huyết áp thậm chí trụy tim mạch, dấu hiệu mất nước ngoại bào ( sốt dù không có nhiễm trùng, đau cơ….).


3. Điều trị suy tuyến thượng thận


Người bệnh có thể được điều trị thay thế bằng hydrocortisone. Liều hydrocortisone dựa trên đáp ứng của từng bệnh nhân. Đa số bệnh nhân điều trị bằng đường uống. Trong trường hợp nhiễm trùng, chấn thương, stress, phẫu thuật… cần phải tăng liều hydrocortisone gấp 2 hoặc 3 lần. Trong trường hợp bệnh nhân bị suy thượng thận cấp cần điều trị hydrocortisone đường tiêm phối hợp với bù dịch, theo dõi sát huyết áp, tình trạng mất nước, đường máu, natri máu….


Để phòng tránh các tác dụng phụ khi lạm dụng Corticoid, người bệnh không nên tự ý mua và dùng thuốc mà không có chỉ định của bác sĩ. Nếu phải dùng thuốc, cần tuyệt đối tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, tránh lạm dụng hoặc ngưng dùng thuốc đột ngột.


Nhằm mục tiêu mang lại dịch vụ khám chữa bệnh chất lượng tốt nhất cho người bệnh, Bệnh viện Đa khoa Sông Thương đã hợp tác với Bác sĩ Khoa Nội tiết – Đái tháo đường của Bệnh viện Bạch Mai để tư vấn và điều trị chuyên sâu về bệnh lý đái tháo đường và các bệnh lý nội tiết. Quý khách hàng có nhu cầu có thể liên hệ qua Hotline đặt lịch khám: 0916 698 115 hoặc Inbox để được tư vấn giải đáp chi tiết.

Tư vấn chuyên môn: BSCKII. Nguyễn Thị Thu - Khoa Nội tiết - Đái tháo đường - Bệnh viện Bạch Mai


Bệnh viện khám chữa bệnh BHYT tất cả các ngày trong tuần, kể cả thứ 7, chủ nhật.

Để được tư vấn và hỗ trợ giải đáp chi tiết, Quý khách có thể đăng ký trực tiếp tại Bệnh viện hoặc liên hệ qua số Hotline: 0916 698 115.

Theo dõi Fanpage để được giải đáp thắc mắc nhanh chóng:

https://www.facebook.com/BVDKSongThuongBacGiang

ĐĂNG KÝ KHÁM

Đặt hẹn ngay để nhận tư vấn và xếp lịch khám kịp thời.

Vui lòng nhập họ tên Vui lòng nhập số điện thoại

Chọn ngày khám bệnh

Gian hàng trực tuyến

 slider
 slider
 slider