Giác hơi hiện nay đang là liệu pháp giải độc cơ thể ngày càng được ưa chuộng. Nhưng nếu phương pháp này bị lạm dụng hoặc dùng sai cách thì sẽ rất nguy hiểm đối với người bệnh.
1. Giác hơi là gì?
Giác hơi là một phương thức trị liệu có nguồn gốc từ Trung Quốc, còn có tên gọi khác là hỏa liệu pháp. Cơ chế của giác hơi là dùng những chiếc cốc chuyên dụng để đặt lên da người bệnh. Mục đích là tạo áp suất âm trong những chiếc cốc này và gây sung huyết mạch máu tại chỗ, giúp giảm đau, giảm viêm, giải độc hoặc phòng và điều trị một số bệnh lý.
2. Nguy cơ bị bỏng khi giác hơi
Mặc dù cơ chế hoạt động của giác hơi khá đơn giản nhưng tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại cho sức khỏe, đặc biệt là bỏng nhiệt. Giác hơi sử dụng cồn, lửa và những vật dụng dễ bắt lửa nên khả năng bị bỏng rất cao.
Bệnh viện Đa khoa Sông Thương vừa tiếp nhận khách hàng nữ 34 tuổi vào viện trong tình trạng đau nhiều, nổi phỏng bỏng cồn nặng sau giác hơi.
Theo lời người bệnh kể, sau khi đi giác hơi về, người bệnh bị đau rát và nổi mụn phỏng nhiều tại vùng lưng và cổ. Vì vậy người bệnh đã tới Bệnh viện Đa khoa Sông Thương để bác sĩ khám và xử lý vết bỏng.
Tại đây, người bệnh được bác sĩ khoa Ngoại chẩn đoán bỏng nhiệt khô độ I-II, diện tích bỏng 10% và được các bác sĩ xử trí giảm đau, làm sạch tổn thương, thay băng bỏng và sử dụng kháng sinh.
Qua trường hợp trên, các bác sĩ khuyến cáo người dân cẩn thận với các biến chứng khi đi giác hơi.
3. Một số bệnh lý điều trị bằng phương pháp giác hơi
- Cảm lạnh, viêm phế quản, hen suyễn;
- Đau nhức xương khớp như đau lưng, đau gối... hoặc đau mỏi cơ khớp;
- Đau dạ dày, viêm dạ dày;
- Tăng huyết áp;
- Cảm mạo, ho kéo dài;
- Béo phì;
- Điều trị các vấn đề da liễu như mụn rộp, mụn trứng cá.
4. Một số trường hợp chống chỉ định với giác hơi
- Người bệnh có các tổn thương trên da tại vùng giác hơi như trầy xước, viêm da, các bệnh da liễu như lang ben, hắc lào, chàm, vẩy nến...;
- Người bệnh sốt cao hoặc đang co giật;
- Người bệnh tiền sử bệnh tim, thận, phổi;
- Bệnh nhân rối loạn đông cầm máu, đang bị xuất huyết, số lượng tiểu cầu thấp, ung thư máu hoặc đang sử dụng thuốc chống đông máu;
- Bệnh nhân phù toàn thân;
- Các bệnh lý tâm thần như động kinh, suy nhược thần kinh...;
- Tiền căn có huyết khối tĩnh mạch sâu;
- Người cao tuổi khi lớp da và cơ quá mỏng, dễ xảy ra biến chứng khi giác hơi;
- Bệnh nhân ung thư di căn;
- Người đang say rượu, quá mệt mỏi, ăn quá no hoặc quá đói...
5. Một số lưu ý khi bị bỏng do giác hơi
Nếu không may bị bỏng, người bệnh cần đến các cơ sở y tế uy tín, bệnh viện gần nhất để được các bác sĩ xử trí kịp thời, không nên tự ý mua thuốc hoặc đắp các loại lá truyền miệng trong dân gian tránh dẫn đến tình trạng nhiễm trùng máu, nhiễm trùng bỏng do điều trị không đúng cách, sẹo co rút, ảnh hưởng đến chức năng các bộ phận bị bỏng và gây nguy hiểm cho tính mạng.
Sau khi giác hơi, người bệnh cần được nghỉ ngơi trong một thời gian nhất định tùy theo tình trạng bệnh lý, tránh hoạt động mạnh, không nên tắm rửa ngay bằng nước quá nóng hoặc quá lạnh, không uống rượu bia hoặc sử dụng các chất kích thích khác.
Nếu thấy xuất hiện các triệu chứng bất thường thì cần kịp thời báo cho nhân viên y tế để có biện pháp xử lý thích hợp.
Liên hệ Hotline: 0916.698.115/ 0204.3686.333 để được bác sĩ hỗ trợ và giải đáp thắc mắc kịp thời.
BỆNH VIỆN ĐA KHOA SÔNG THƯƠNG
HOTLINE: 0204 3686 333 - 0916 698 115
FANPAGE: https://www.facebook.com/BVDKSongThuongBacGiang
ZALO: https://zalo.me/bvdksongthuong
ĐỊA CHỈ: 256-258 Lê Lợi, phường Hoàng Văn Thụ, TP. Bắc Giang, Bắc Giang.
Ngọc Lan
Bạn chưa có Tài khoản? Vui lòng đăng ký Tài khoản mới tại đây