324 lượt xem

Tìm hiểu kiến thức về bệnh lý tay chân miệng ở trẻ em

Bệnh tay chân miệng ở trẻ nhỏ là một bệnh truyền nhiễm phổ biến, bùng phát mạnh vào thời điểm giao mùa và rất dễ lây lan. Bệnh tay chân miệng thường không dẫn đến các biến chứng nguy hiểm nếu phát hiện và điều trị sớm. Tuy nhiên, bệnh có thể gây tử vong nếu không được can thiệp kịp thời.

Tìm hiểu kiến thức về bệnh lý tay chân miệng ở trẻ em

Bác sĩ Da liễu thăm khám Bệnh tay chân miệng tại Bệnh viện Đa khoa Sông Thương


1. Bệnh tay chân miệng là gì?


Bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm lây từ người sang người có thể phát triển thành dịch tay chân miệng do virus đường ruột gây ra. Nguyên nhân gây bệnh do hai nhóm tác nhân là Coxsackievirus A16 và Enterovirus 71 (EV71). Trẻ em khi mắc bệnh thường có biểu hiện như tổn thương da, niêm mạc dưới dạng phỏng nước tập trung ở niêm mạc miệng, lòng bàn tay, bàn chân, mông, gối.


Bệnh tay chân miệng truyền từ người này sang người khác thông qua dịch tiết mũi họng (nước bọt, đờm hoặc chất nước mũi), chất lỏng từ mụn nước hoặc bong vảy và phân.


Do đó, bạn rất dễ bị mắc bệnh nếu:


- Hít thở không khí sau khi người bệnh ho hoặc hắt hơi.

- Chạm vào người bệnh hoặc tiếp xúc gần gũi khác (hôn, ôm, hoặc chia sẻ cốc hoặc dụng cụ ăn uống).

- Chạm vào phân của người bệnh chẳng hạn như thay tã, sau đó chạm vào mắt, mũi hoặc miệng của bạn.

- Chạm vào các vật và bề mặt có virus như tay nắm cửa hoặc đồ chơi, sau đó chạm vào mắt, mũi hoặc miệng của bạn.


2. Dấu hiệu phát hiện trẻ mắc tay chân miệng


Dấu hiệu thường thấy ở trẻ mắc bệnh tay chân miệng (Nguồn: Internet)


Việc phát hiện sớm các dấu hiệu trẻ em bị tay chân miệng là yếu tố giúp việc điều trị thuận lợi và chăm sóc kịp thời để hồi phục bệnh nhanh hơn. Các triệu chứng của bệnh tay chân miệng ở trẻ em qua từng giai đoạn cụ thể bao gồm:


- Giai đoạn ủ bệnh: Từ 3 đến 6 ngày sau khi nhiễm virus. Ở giai đoạn này chưa có biểu hiện ra bên ngoài cơ thể, trẻ vẫn sinh hoạt bình thường.


- Giai đoạn khởi phát (kéo dài 1 – 2 ngày): Triệu chứng sớm nhất của trẻ khi bị tay chân miệng là sốt nhẹ, đau họng, sổ mũi, cơ thể mệt mỏi, tiêu chảy vài lần trong ngày, đôi khi sờ thấy hạch ở cổ, hạch ở hàm dưới.


- Giai đoạn toàn phát (từ 3 – 10 ngày): Xuất hiện mụn nước nhỏ (đường kính 2 -3mm) ở niêm mạc miệng, má, lợi, mặt bên của lưỡi. Các bóng nước vỡ rất nhanh tạo thành các vết loét khiến trẻ bị tăng tiết nước bọt, khiến em bé bị tay chân miệng cảm thấy đau khi ăn và vì thế trẻ rất dễ biếng ăn.

+ Xuất hiện các bóng nước lớn hình bầu dục lồi (đường kính 2 – 10mm) ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, vùng mông và nổi ban toàn thân có thể ở trên da hoặc ẩn dưới da.

+ Trẻ bị tay chân miệng có biểu hiện sốt, buồn nôn, một số trường hợp sốt cao, nôn nhiều có thể xuất hiện các biến chứng thần kinh như rối loạn tri giác, lơ mơ, mê sảng, co giật… Các biến chứng này thường xuất hiện rất sớm từ ngày 3 đến ngày 5 của bệnh.


- Giai đoạn lui bệnh: Từ 7 – 10 ngày tính từ ngày bệnh khởi phát, trẻ sẽ hồi phục hoàn toàn nếu không xảy ra các biến chứng như trên. Trường hợp xảy ra các biến chứng: sốt cao trên 39°C hoặc sốt cao kéo dài trên 48 tiếng, trẻ quấy khóc, bứt rứt, ói nhiều, ngủ lịm, dễ giật mình, hoảng hốt, run tay chân, thở khó… thì cần cho trẻ nhập viện ngay.


3. Điều trị và phòng ngừa bệnh tay chân miệng


Khi phát hiện một số dấu hiệu của bệnh, bố mẹ cần đưa trẻ đến thăm khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa da liễu hoặc truyền nhiễm để chẩn đoán đúng bệnh.


Khi đến khám tại Bệnh viện Đa khoa Sông Thương, trẻ sẽ được các bác sĩ chuyên khoa Da liễu thăm khám và chẩn đoán bệnh. Hiện nay chưa có thuốc đặc trị hay vaccine phòng bệnh tay chân miệng. Vì vậy, cách điều trị bệnh chủ yếu là điều trị triệu chứng, chăm sóc bệnh nhân tại nhà và sử dụng các loại thuốc hạ sốt, giảm đau, bù đủ nước cho cơ thể theo hướng dẫn của Bác sĩ.


Trường hợp bé bị sốt cao, mẹ có thể sử dụng thuốc Paracetamol để hạ sốt và giảm đau. Lưu ý, tuyệt đối không sử dụng thuốc có chứa thành phần Aspirin. Ngoài ra, bố mẹ cũng nên sử dụng nước muối 0.9% để sát trùng niêm mạc cho trẻ.


Về chế độ ăn hằng ngày: Bố mẹ cần đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng, bù nước kịp thời đề phòng trẻ bị mất nước, hạ đường huyết. Đối với trẻ bú mẹ cần tăng cường cho bé bú thành nhiều lần trong ngày.


Với trẻ lớn hơn cần kiêng các loại thức ăn có thể khiến trẻ đau rát, tổn thương miệng như thức ăn nóng, đặc. Thay vào đó, bố mẹ nên cho trẻ ăn các thức ăn loãng, nguội, dễ tiêu hóa như cháo loãng, sữa, chè đỗ…Nếu bé từ chối ăn mẹ không nên cưỡng ép mà hãy cho bé uống sữa hoặc ăn sữa chua để thay thế. Hoa quả trái cây giàu vitamin, khoáng chất cũng là thực phẩm cần thiết cho trẻ trong khi điều trị bệnh tay chân miệng.


Phòng ngừa bệnh tay chân miệng tại nhà


Hiện tại, vẫn chưa có vắc-xin phòng chống dịch chân tay miệng. Dưới đây là lời khuyên của Bác sĩ chuyên khoa Da liễu trong việc phòng tránh dịch tay chân miệng lây lan tại nhà:


- Người lớn khi chăm sóc trẻ nên mang khẩu trang y tế và rửa tay sạch sẽ sau khi tiếp xúc với trẻ bị bệnh.

- Rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng theo hướng dẫn 6 bước rửa tay của Bộ Y tế.

- Quần áo, tã lót của trẻ nên được ngâm dung dịch sát khuẩn Cloramin B 2% hoặc luộc nước sôi trước khi giặt.

- Vật dụng cá nhân của trẻ bị chân tay miệng như: đồ chơi, bình sữa, ly uống nước, chén ăn cơm, muỗng ăn… nên được luộc sôi và sử dụng riêng biệt cho từng trẻ.

- Nơi trẻ sinh hoạt cần thông thoáng, đủ dưỡng khí nhất là sàn nhà nên được lau chùi sạch sẽ thường xuyên bằng các dung dịch khử khuẩn nhằm tạo điều kiện sạch sẽ và an toàn cho trẻ khi sinh hoạt và chơi đùa.

- Tránh các cử chỉ thân mật như ôm, hôn hoặc chia sẻ dụng cụ ăn, uống với những người mắc tay chân miệng.


Hy vọng những thông tin trên đây đã cung cấp cho bố mẹ những thông tin hữu ích về bệnh tay chân miệng ở trẻ em cũng như cách chăm sóc và phòng ngừa bệnh cho trẻ tại nhà. Bên cạnh đó, bố mẹ cũng cần lưu ý theo dõi và nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế uy tín khi con có những biểu hiện bất thường để được tư vấn điều trị kịp thời.

Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hường - Khoa Khám bệnh



Bệnh viện khám chữa bệnh BHYT tất cả các ngày trong tuần, kể cả thứ 7, chủ nhật.

Để được tư vấn và hỗ trợ giải đáp chi tiết, Quý khách có thể đăng ký trực tiếp tại Bệnh viện hoặc liên hệ qua số Hotline: 0916 698 115.

Theo dõi Fanpage để được giải đáp thắc mắc nhanh chóng:

https://www.facebook.com/BVDKSongThuongBacGiang

ĐĂNG KÝ KHÁM

Đặt hẹn ngay để nhận tư vấn và xếp lịch khám kịp thời.

Vui lòng nhập họ tên Vui lòng nhập số điện thoại

Chọn ngày khám bệnh

Gian hàng trực tuyến