644 lượt xem

Quặm mi mắt: Nguyên nhân, triệu chứng và phương pháp điều trị tại Sông Thương

Trong các bệnh lý về mắt thì quặm mi được xem là một trong những vấn đề khiến cho đôi mắt bị tổn thương nặng. Quặm mi nếu như không được điều trị kịp thời sẽ rất dễ làm ảnh hưởng đến giác mạc và từ đó tác động vào thị lực của người bệnh.

Quặm mi mắt: Nguyên nhân, triệu chứng và phương pháp điều trị tại Sông Thương

Hình ảnh bệnh nhân bị Quặm mi tại Bệnh viện đa khoa Sông Thương


1. Quặm mi là bệnh gì?


Quặm mi là tình trạng bờ mi bị cuộn vào bên trong nhãn cầu, khiến cho lông mi cọ xát với mắt và gây nên hiện tượng mẩn đỏ, kích ứng và gây trầy xước giác mạc. Bệnh lý này nếu như không được chữa trị kịp thời sẽ dẫn đến sẹo giác mạc, làm tăng nguy cơ bị viêm loét giác mạc, thậm chí khiến thị lực bị giảm sút, dẫn đến mù lòa vĩnh viễn.


Quặm mi có thể xảy ra ở nhiều độ tuổi khác nhau, nhưng thường gặp nhiều ở người lớn tuổi, gây cảm giác khó chịu cho bệnh nhân cả về mặt thẩm mỹ lẫn sinh hoạt hàng ngày. Quặm do tuổi già thường ở mi dưới và phần lớn là ở trên những mắt bị lõm do tiêu mỡ hốc mắt, làm mất chỗ dựa phía sau của mi khiến cho bờ mi bị đổ ra sau và vào trong. Hàng lông mi cọ vào bề mặt của nhãn cầu, gây chảy nước mắt, tiết dử mắt. Mi có thể cọ vào giác mạc, gây viêm giác mạc kéo dài.


2. Nguyên nhân dẫn đến quặm mi


Nguyên nhân phổ biến nhất của quặm mi là do sự lỏng lẻo của các mô nâng đỡ mi do lão hóa. Điều này dẫn đến sự cuộn bờ mi vào trong nhãn cầu. Các nguyên nhân khác là do sẹo mặt trong mi gây ra do viêm, mắt hột chấn thương hay bẩm sinh.


- Quặm mi bẩm sinh: Thường xảy ra do cấu trúc sụn mi khuyết tật hoặc tăng sản cơ vòng mi, lớp da, đa phần tình trạng này sẽ được cải thiện khi trẻ lớn lên. Bố mẹ cần lưu ý đến tình trạng này, nếu như trẻ lớn xuất hiện quặm mi nhiều, không thuyên giảm thì nên đưa trẻ đi khám bác sĩ.

- Viêm bờ mi: Viêm bờ mi sẽ khiến cho mí mắt bị viêm, kích ứng, sưng to và da bị bong tróc. Cùng với đó, chất nhầy sẽ được tiết ra nhiều hơn tạo điều kiện thuận lợi cho lông mi mọc ngược và vi khuẩn phát triển. Trường hợp này người bệnh cần được loại bỏ lông quặm và điều trị viêm bờ mi tích cực, nếu không sẽ gây nên tổn thương nặng ở mắt.

- Chấn thương ở mắt: Có thể làm phát triển mô sẹo gần khu vực lông mi và có khả năng làm thay đổi hướng mọc của lông mi.

- Đau mắt hột: Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến quặm mi, ngoài ra còn gây nhiễm trùng mí mắt nghiêm trọng. Khắc phục quặm mi mới chỉ là một phần trong điều trị đau mắt hột, người bệnh cần điều trị tích cực và vệ sinh mắt đúng cách nếu không có thể gây nên tình trạng mù lòa.

- Lộn mí mắt: Lộn mí mắt sẽ khiến cho mí mắt bị gập vào bên trong, nang lông cũng bị đẩy vào dẫn đến hiện tượng lông mi mọc ngược gây tổn thương cho niêm mạc mắt. Đây chính là nguyên nhân thường gây quặm mi ở người già do các cơ và mô xung quanh của mắt đã bị lão hóa và yếu dần, không còn khả năng nâng đỡ tốt như trước.

- Nhiễm trùng Herpes: Khi bị nhiễm virus Herpes sẽ gây nên tình trạng nhiễm trùng, xuất hiện mụn nước ở nhiều vùng da, trong đó có vùng da gần mắt và làm hỏng mí mắt của người bệnh.


3. Những triệu chứng quặm mi phổ biến


Tùy theo nguyên nhân gây bệnh nhưng hầu hết quặm mi trong khoảng thời gian đầu chỉ xảy ra ở một vài lông mi, có thể cố định tại một số vị trí của mắt. Song nếu như không được phát hiện chính xác nguyên nhân để điều trị thì quặm mi sẽ ảnh hưởng đến ngày càng nhiều lông mi, gây ra cảm giác khó chịu và các triệu chứng như:


- Kích thích nhãn cầu, khiến cho người bệnh luôn có cảm giác có vật cản bị vướng ở trong mắt.

- Mắt dễ bị nhạy cảm hơn với ánh sáng, đó là do quặm mi gây kích thích nhãn cầu.

- Đỏ ở quanh vùng mắt do giác mạc bị tổn thương

- Luôn tạo ra cảm giác đau mắt, ngứa khiến cho người bệnh càng dụi mắt nhiều hơn, làm những tổn thương ở mắt ngày càng nghiêm trọng.

- Chảy nước mắt nhiều lần trong ngày không rõ nguyên do từ đâu.


Quặm mi thường không phải là một vấn đề nghiêm trọng ở mắt và có thể khắc phục nhanh bằng việc loại bỏ những lông mi bất thường. Tuy nhiên, nếu như người bệnh dụi mắt nhiều và không loại bỏ hoàn toàn quặm mi, mắt có thể dễ bị tổn thương nặng và nguy cơ nhiễm trùng tăng cao. Lúc này, không chỉ sức khỏe mắt giảm sút đi mà thị lực của người bệnh cũng sẽ bị ảnh hưởng.


4. Điều trị Quặm mi tại Bệnh viện đa khoa Sông Thương


Khi mắc phải bệnh lý này người bệnh không nên quá lo lắng, bởi vì quặm mi là một bệnh lý có thể điều trị được hoàn toàn bằng phẫu thuật.


Tại Khoa Mắt Bệnh viện đa khoa Sông Thương, phẫu thuật quặm mi đã được thực hiện trên 10 năm. Người bệnh có thể đến làm thủ tục mổ quặm mi tất cả các ngày trong tuần, được thanh toán theo chế độ bảo hiểm y tế.



Phẫu thuật quặm mi tại Bệnh viện đa khoa Sông Thương


Quy trình phẫu thuật quặm mi:


- Bước 1: Người bệnh được khám tổng quát về mắt, đo nhãn áp, soi đáy mắt.

- Bước 2: Khi có chỉ định phẫu thuật, người bệnh được làm các xét nghiệm: Glucose, công thức máu, máu chảy, máu đông, điện tim đồ, khám nội tổng quát.

- Bước 3: Nếu người bệnh có kết quả cận lâm sàng bình thường, sẽ được phẫu thuật ngay trong ngày. Thời gian phẫu thuật là: 30 phút.

- Bước 4: Người bệnh được cấp thuốc uống, thuốc tra, hướng dẫn chăm sóc mắt sau phẫu thuật và được hẹn 07 ngày sau đến cắt chỉ.

Thạc sĩ, Bác sĩ Chu Thị Thiết - Khoa Mắt


Bệnh viện khám chữa bệnh BHYT tất cả các ngày trong tuần, kể cả thứ 7, chủ nhật.

Để được tư vấn chi tiết, Quý khách có thể đăng ký trực tiếp tại Bệnh viện hoặc liên hệ qua số Hotline: 0916 698 115.

Theo dõi Fanpage để được giải đáp thắc mắc nhanh chóng:

https://www.facebook.com/BVDKSongThuongBacGiang

ĐĂNG KÝ KHÁM

Đặt hẹn ngay để nhận tư vấn và xếp lịch khám kịp thời.

Vui lòng nhập họ tên Vui lòng nhập số điện thoại

Chọn ngày khám bệnh

Gian hàng trực tuyến