209 lượt xem

CẢNH BÁO NGUY CƠ ĐỘT QUỴ KHI THỜI TIẾT LẠNH

Tỷ lệ người bị đột quỵ tăng cao vào thời điểm giao mùa và thời tiết lạnh, khoảng 20-30% so với những ngày thời tiết bình thường.

CẢNH BÁO NGUY CƠ ĐỘT QUỴ KHI THỜI TIẾT LẠNH


1. Vì sao đột quỵ gia tăng vào mùa lạnh?


Đột quỵ (tai biến mạch máu não) thường xảy ra đột ngột khi nguồn máu cung cấp cho não bị tắc nghẽn, gián đoạn hoặc suy giảm. Khi đó, não bị thiếu oxy, dinh dưỡng và các tế bào não bắt đầu chết trong vòng vài phút.


Theo nghiên cứu, khoảng 60-70% người bệnh đột quỵ vào nửa đêm và buổi sáng sớm, thời điểm nhiệt độ thường lạnh hơn buổi trưa, chiều. Thêm nữa, tỷ lệ người bệnh đột quỵ não có tăng huyết áp vào mùa lạnh cao hơn mùa nóng, chiếm khoảng 85% .


Khi nhiệt độ giảm xuống, cơ thể con người có phản xạ tăng tiết catecholamine nhằm co các mạch máu ngoại vi để giữ nhiệt làm ấm cơ thể. Khi co mạch sẽ làm tăng trương lực mạch máu dẫn đến huyết áp tăng cao. Điều này khiến cho người bệnh dễ bị chảy máu trong não, gây nên xuất huyết não, đặc biệt ở người bệnh có kèm theo xơ vữa động mạch.


Thêm vào đó, hiện tượng co mạch giúp giữ cơ thể không mất nước cũng làm tăng độ nhớt máu. Nhiệt độ giảm cũng làm cơ thể tăng sản xuất hồng cầu và tiểu cầu nhằm tăng sự trao đổi chất của cơ thể, dẫn đến máu vón cục tạo thành cục máu đông. Từ đó, tăng nguy cơ tắc nghẽn mạch máu, dễ dẫn đến nhồi máu não.


2. Dấu hiệu cảnh báo đột quỵ khi trời lạnh


Các chuyên gia y tế chỉ ra một số dấu hiệu nhận biết sớm nguy cơ đột quỵ bằng quy tắc “FAST” như sau:


- Face: Nhận biết dấu hiệu đột quỵ qua gương mặt người bệnh. Dựa vào tình trạng mặt bị mất cân đối hoặc một bên miệng bị méo, người bệnh có thể sẽ được yêu cầu “cười” để được quan sát rõ hơn.

- Arm: Người bệnh sẽ được yêu cầu giơ cả hai tay lên, sau khi kiểm tra bên nào yếu hơn hoặc rơi xuống trước thì bên đó được kết luận bị liệt.

- Speech: Nhận biết sự bất thường trong ngôn ngữ. Người bệnh sẽ được yêu cầu nói lặp lại một câu đơn giản nào đó. Nếu giọng nói không được tròn, rõ, không lưu loát hoặc không thể nói được, đây chính là dấu hiệu bất thường của đột quỵ.

- Time: Người bệnh có nguy cơ bị đột quỵ rất cao nếu xảy ra cả 3 dấu hiệu kể trên. Người xung quanh cần khẩn trương đưa người bệnh đến ngay cơ sở y tế để kịp thời điều trị.


3. Đối tượng có nguy cơ cao bị đột quỵ khi trời lạnh


Cần chú ý bảo vệ cơ thể tránh khỏi đột quỵ, đặc biệt là những người có yếu tố nguy cơ dưới đây:

- Cơn đau thắt ngực không rõ nguyên nhân;

- Hay hồi hộp, tim đánh trống ngực hoặc cảm giác hụt nhịp tim;

- Mệt mỏi, khó thở, thở khò khè, đau mỏi cơ bắp, bị chuột rút;

- Mạch đập quá nhanh hoặc quá chậm khi cơ thể ở trạng thái nghỉ ngơi bình thường;

- Béo phì, thừa cân, ít vận động;

- Hút thuốc lá, uống rượu bia thường xuyên;

- Bị đái tháo đường, tăng huyết áp, rối loạn chuyển hóa lipid máu, nhồi máu cơ tim;

- Nữ trên 45 tuổi, nam trên 40 tuổi.


4. Phòng ngừa đột quỵ khi trời lạnh


Thời gian vàng cấp cứu đột quỵ nhồi máu não là khoảng 3 - 4,5 giờ và với đột quỵ xuất huyết não là trong vòng 8 giờ kể từ khi người bệnh xuất hiện các triệu chứng đột quỵ đầu tiên như nói đớ, nói ngọng, khó nói, yếu liệt chi, méo miệng, lệch một bên mặt, đau đầu, choáng váng,…


Mỗi người cần tự nâng cao ý thức phòng tránh đột quỵ mọi lúc mọi nơi. Đặc biệt là những người cao tuổi hoặc người mắc bệnh tim mạch, bệnh lý thần kinh cần cảnh giác cao độ mỗi khi trời trở lạnh, thời điểm giao mùa. Các biện pháp phòng tránh đột quỵ được các chuyên gia khuyến cáo như sau:


Hạn chế tiếp xúc với không khí lạnh

Để không bị tác động bởi thời tiết lạnh, trước hết bạn cần tránh đi ra ngoài hoặc ở ngoài trời lâu khi nhiệt độ xuống thấp. Nếu phải ra ngoài, cần mặc ấm, tốt nhất nên mặc nhiều lớp quần áo, cố gắng che kín vùng đầu và bàn tay, đi tất và giày ấm.


Không hoạt động quá sức

Vận động gắng sức trong khí hậu lạnh giá có thể gây nguy hiểm cho tim, mạch máu và gây đột quỵ não. Thậm chí, ngay cả khi chỉ ngồi yên không làm gì ở ngoài trời lạnh cũng thúc đẩy các cơ quan bên trong cơ thể kích hoạt cơ chế tự giữ ấm bằng cách hoạt động nhiều hơn.


Tránh khiến nhiệt độ cơ thể tăng đột ngột

Nhiệt độ cao cũng là một yếu tố gây nguy hiểm. Khi nhiệt độ quá cao hoặc tăng đột ngột, các mạch máu có thể giãn ra một cách bất thường, gây hạ huyết áp. Mặc quần áo ấm trước khi hoạt động thể chất cũng có thể khiến cơ thể bị nóng quá mức.

Nếu người đổ mồ hôi khi đang hoạt động giữa trời lạnh thì có nghĩa thân nhiệt của bạn đang cao bất thường và cảnh báo nguy hiểm. Lời khuyên là nên dừng ngay những việc đang làm và nghỉ ngơi trong nhà với nhiệt độ thích hợp.


Từ bỏ hoặc hạn chế uống rượu

Uống rượu trước khi ra ngoài trời lạnh hoặc giữa trời lạnh là việc làm rất nguy hiểm. Tuy đem lại cảm giác ấm áp tạm thời nhưng thực tế rượu làm giãn nở các mạch máu trên da, lấy đi nguồn nhiệt tại các cơ quan quan trọng.


Duy trì lối sống lành mạnh

Hút thuốc lá là việc quan trọng cần tránh để bảo vệ cơ thể nói chung và các mạch máu nuôi não nói riêng. Bên cạnh đó không ăn mặn để tránh gây tăng huyết áp. Thay vào đó nên ăn uống đầy đủ, khoa học, tập thể dục hoặc vận động phù hợp, hạn chế xúc động hoặc stress,…để phòng ngừa đột quỵ.


Tuân thủ điều trị nếu có các bệnh lý nền

Các bệnh lý tăng huyết áp, rung nhĩ, thiếu máu não,… đều là những yếu tố nguy cơ gây hình thành xơ vữa và huyết khối làm tăng nguy cơ đột quỵ, nhất là khi thời tiết lạnh. Khi mắc các bệnh này, người bệnh cần uống thuốc đều đặn theo đúng chỉ định của bác sĩ chuyên khoa, thăm khám thường xuyên để kiểm soát bệnh.


Đột quỵ khi thời tiết lạnh là một tình trạng nguy hiểm. Khi thấy các dấu hiệu nghi ngờ như yếu, liệt mặt, rối loạn ngôn ngữ, vận động khó khăn…cần đưa người bệnh đi cấp cứu ngay để được xử trí trong “thời gian vàng”, giúp tăng khả năng cứu sống người bệnh và hạn chế di chứng.


-------

BỆNH VIỆN ĐA KHOA SÔNG THƯƠNG

HOTLINE: 0204 3686 333 - 0916 698 115

FANPAGE: https://www.facebook.com/BVDKSongThuongBacGiang

ZALO: https://zalo.me/bvdksongthuong

ĐỊA CHỈ: 256-258 Lê Lợi, phường Hoàng Văn Thụ, TP. Bắc Giang, Bắc Giang.

ĐĂNG KÝ KHÁM

Đặt hẹn ngay để nhận tư vấn và xếp lịch khám kịp thời.

Vui lòng nhập họ tên Vui lòng nhập số điện thoại

Chọn ngày khám bệnh

Gian hàng trực tuyến

 slider
 slider
 slider