Thoái hóa khớp gối là bệnh lý thường gặp nhất trong các bệnh về cơ xương khớp. Thoái hóa khớp gối nếu không điều trị sớm có thể gây giảm, mất khả năng vận động gây tàn phế suốt đời. Phương pháp tiêm nội khớp gối Acid Hyaluronic được coi là phương pháp điều trị hiệu quả an toàn trên hầu hết người bệnh, đem lại hy vọng trong điều trị cho những người bệnh thoái hóa khớp đặc biệt là khớp gối.
1. Tiêm nội khớp gối Acid Hyalorunic
Tiêm Acid Hyalorunic (chất nhờn) vào khớp là một phương pháp điều trị có tác dụng tái tạo chức năng bảo vệ, bôi trơn và chống xóc cho khớp.
Trong khớp gối bình thường luôn tồn tại một lượng chất nhờn nội sinh với lượng khoảng 2,5 – 4 mg/ml. Chất nhờn này có thành phần chủ yếu là Acid Hyaluronic có độ đàn hồi nên có tác dụng bôi trơn ổ khớp, đồng thời bảo vệ khớp bằng cách che phủ lên bề mặt sụn khớp giúp cho việc di chuyển, vận động dễ dàng và không gây đau nhức.
Khi khớp bị thoái hóa, lượng chất nhờn bị giảm đi và không thể phục hồi sẽ dẫn đến tình trạng khớp bị đau, khó vận động. Khi đó, người bệnh cần điều trị bổ sung chất nhờn nhân tạo, đó chính là tiêm Acid Hyaluronic vào khớp gối.
Hiện nay liệu pháp bổ sung chất nhờn đã được nhiều nước áp dụng rộng rãi trong điều trị thoái hóa khớp gối. Đây là phương pháp điều trị chuẩn đã được nhiều Guideline của các tổ chức y học quốc tế có uy tín như Hiệp hội thấp khớp học Hoa Kỳ (ACR), Châu Âu (EULAR)… đưa vào trong hướng dẫn điều trị bệnh thoái hóa khớp gối.
2. Những lợi ích khi tiêm Acid Hyaluronic vào khớp gối
- Tiêm hyaluronic vào khớp sẽ giúp ức chế cảm nhận đau, qua đó làm giảm đau;
- Cải thiện chức năng vận động cho người bệnh;
- Ngăn sinh tổng hợp PGE2, ngăn chặn tác dụng của cytokine, kháng viêm tốt;
- Tăng hoạt tính men TIMP giúp ức chế sự thoái hóa của sụn khớp. Đồng thời, tiêm hyaluronic còn có tác dụng kết nối những proteoglycan và giúp tăng sinh tổng hợp tế bào sụn khớp;
- Acid hyaluronic lưu trong khớp chỉ khoảng 1 tuần. Tuy nhiên, nó có thể duy trì tác dụng lên tới 6 tháng. Vì acid hyaluronic có khả năng kích thích sản xuất acid hyaluronic nội sinh nên có hiệu quả tốt hơn so với thuốc tiêm nội khớp corticoid.
Phương pháp này hầu như không có tác dụng phụ toàn thân, có rất ít tác dụng phụ tại chỗ, vì vậy mà liệu pháp này được áp dụng rộng rãi trong điều trị thoái hóa khớp gối.
3. Chỉ định tiêm nội khớp gối trong trường hợp nào?
Liệu pháp tiêm nội khớp gối bằng acid hyalorunic (HA) có thể áp dụng như một liệu pháp độc lập hoặc phối hợp với các liệu pháp điều trị hiện tại như giảm cân, điều chỉnh cường độ vận động, lối sống, dùng thuốc chống viêm không steroid, thuốc chống thoái hóa khớp tác dụng chậm (glucosamin, chondroitin, diacerin)...
Chỉ định:
- Được chẩn đoán thoái hóa khớp gối theo tiêu chuẩn ACR 1991
- Thời gian đau khớp gối mạn tính kéo dài trên 3 tháng.
- Hình ảnh Xquang khớp gối ở giai đoạn 1-4 theo phân độ của Kellgren và Lawrence. Tuy nhiên khuyến cáo nên tiêm HA cho bệnh nhân ở giai đoạn 2-3.
4. Chống chỉ định tiêm nội khớp gối trong trường hợp nào?
- Dị ứng với các thành phần của thuốc
- Thoái hóa khớp gối chưa loại trừ được các bệnh kèm theo như viêm khớp gối nhiễm khuẩn (viêm khớp mủ, lao khớp).
- Nhiễm khuẩn ngoài da vùng quanh khớp gối, nhiễm nấm... khi tiêm có nguy cơ đưa vi khuẩn, nấm vào trong khớp gối.
Lưu ý: Thận trọng với người bệnh có tiền sử đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh máu. Chỉ thực hiện thủ thuật khi các bệnh lý trên đã được kiểm soát tốt.
5. Các bước tiến hành tiêm nội khớp
Thực hiện tại phòng thủ thuật xương khớp vô khuẩn theo quy định
• Kiểm tra hồ sơ bệnh án hoặc đơn về chỉ định, chống chỉ định
• Tiêm 01 lọ HA được đóng trong bơm theo tiêu chuẩn của nhà sản xuất đã được Bộ Y tế cho phép sử dụng vào mỗi một khớp gối người bệnh với liệu trình 1 mũi/ tuần trong 3 - 5 tuần liền (tối thiểu phải tiêm 3 mũi/ 3 tuần liền).
• Thực hiện tiêm nội khớp
- Kiểm tra vị trí tiêm
+ Tư thế người bệnh ngồi: gấp gối 90¬0
+ Vị trí tiêm (tùy lựa chọn của bác sĩ)
+ Tư thế người bệnh nằm: kê gối dưới khoeo
- Sát trùng vị trí tiêm, trải săng
- Tiêm 01 lọ HA vào khớp gối.
• Chăm sóc người bệnh ngay sau tiêm
- Băng chỗ tiêm, hướng dẫn người bệnh gấp duỗi thụ động khớp gối tiêm 3 lần;
- Dặn người bệnh giữ khô vị trí tiêm trong 24giờ, sau 24 giờ mới bỏ băng dính, có thể rửa nước bình thường vào chỗ tiêm.
6. Theo dõi tai biến và xử lý
- Chỉ số theo dõi: mạch, huyết áp, tình trạng chảy máu tại chỗ, tình trạng viêm trong 24 giờ.
- Biến chứng hiếm gặp: tai biến do người bệnh quá sợ hãi
- Biểu hiện kích thích hệ phó giao cảm: người bệnh choáng váng, vã mồ hôi, ho khan, có cảm giác tức ngực khó thở, rối loạn cơ tròn...
- Xử lý: đặt người bệnh nằm đầu thấp, giơ cao chân, theo dõi mạch, huyết áp để có các biện pháp xử lý cấp cứu khi cần thiết.
- Đau tăng sau khi tiêm 12-24 giờ: do phản ứng viêm màng hoạt dịch với HA, thường khỏi sau một ngày, không phải can thiệp, có thể bổ sung giảm đau paracetamol.
- Nhiễm khuẩn khớp, phần mềm quanh khớp do thủ thuật tiêm (viêm mủ): biểu hiện bằng sốt, sưng đau tại chỗ, tràn dịch; xử lý bằng cách hút dịch khớp, làm xét nghiệm và điều trị kháng sinh.
Tiêm nội khớp gối acid hyaluronic là thủ thuật đơn giản, hiệu quả cao với người mắc các bệnh lý khớp gối. Tuy nhiên, không phải ai cũng có đủ kiến thức và kỹ năng chuyên môn để thực hiện phương pháp điều trị này. Để tránh rủi ro, người bệnh nên đến các cơ sở y tế uy tín để được tư vấn và thực hiện thủ thuật tiêm nội khớp đúng cách.
Thăm khám các bệnh lý về cơ xương khớp tại khoa YHCT – PHCN – Bệnh viện Đa khoa Sông Thương với các bác sĩ đầu ngành cùng trang thiết bị hiện đại, nhằm mang lại hiệu quả cao cho quá trình điều trị.
-------
BỆNH VIỆN ĐA KHOA SÔNG THƯƠNG
HOTLINE: 0204 3686 333 - 0916 698 115
FANPAGE: https://www.facebook.com/BVDKSongThuongBacGiang
ZALO: https://zalo.me/bvdksongthuong
ĐỊA CHỈ: 256-258 Lê Lợi, phường Hoàng Văn Thụ, TP. Bắc Giang, Bắc Giang.
Tham khảo chuyên môn: BSCKII. Trần Văn Vương - Trưởng khoa YHCT - PHCN
Bạn chưa có Tài khoản? Vui lòng đăng ký Tài khoản mới tại đây