Giác mạc là một lớp mỏng và trong suốt nằm ở trước nhãn cầu, có vai trò quan trọng trong việc lấy ánh sáng và tập trung vào võng mạc (nơi ánh sáng được chuyển đổi thành tín hiệu điện và gửi đến não để tạo ra hình ảnh)
Nhưng tại sao lại có một số trường hợp giác mạc biến dạng thành hình chóp?
Khi giác mạc của mắt trở nên mỏng và mất đi tính đàn hồi, nó có thể bắt đầu biến dạng từ hình dạng cầu tự nhiên thành hình dạng hình chóp. Nói một cách cụ thể, các sợi protein được gọi là collagen trong mắt có nhiệm vụ giữ cho giác mạc ở đúng vị trí. Tuy nhiên khi các sợi protein yếu dần, giác mạc dễ dàng biến dạng dưới tác động của áp lực từ bên trong mắt, lồi lên tạo thành hình chóp.
Giác mạc hình chóp không phải là căn bệnh phổ biến theo các nghiên cứu và thống kê, tỷ lệ mắc bệnh thường dao động từ khoảng 50 đến 230 trên mỗi 100,000 người. Nguyên nhân chính xác gây ra bệnh giác mạc hình chóp vẫn chưa được xác định rõ, nhưng các chuyên gia về mắt cho rằng các yếu tố sau ảnh hưởng ít nhiều đến nguyên nhân gây ra bệnh này:
- Tuổi tác: Thời điểm phát bệnh thường rơi ở vào độ tuổi thanh thiếu niên, sau đó có sự tiến triển khác nhau tùy cơ địa mỗi người.
- Di truyền: Người có người thân trong gia đình mắc bệnh này có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
- Môi trường và lối sống: Bao gồm việc tiếp xúc với ánh sáng mạnh liên tục, thường xuyên dụi mắt, tác động mạnh ảnh hưởng trực tiếp đến giác mạc.
Một số triệu chứng của bệnh giác mạc hình chóp:
- Mắt nhìn mờ, nhòe, không thể lấy nét
- Nhạy cảm hơn với ánh sáng, không thoải mái khi tiếp xúc, gây kích thích mắt
- Song thị (nhìn thấy hình ảnh đôi của một vật thể)
- Nhìn thấy các quầng sáng xung quanh bóng đèn
- Biến chứng giác mạc như viêm nhiễm, sưng tấy
- Suy giảm thị lực nghiêm trọng
Ở giai đoạn đầu, các triệu chứng có thể không rõ ràng hoặc không ảnh hưởng đáng kể tuy nhiên khi bệnh nặng hơn có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng hơn, đe dọa đến sức khỏe của mắt.
Phương pháp điều trị bệnh giác mạc hình chóp
Sử dụng kính gọng hoặc kính áp tròng cứng: Khi các triệu chứng nhẹ mới xuất hiện, người bệnh có thể dùng kính gọng để điều chỉnh tầm nhìn (như tật khúc xạ). Còn kính áp tròng cứng được thiết kế để tạo ra một bề mặt phẳng trên giác mạc, giúp lấy nét và cải thiện thị lực tốt hơn, giảm thiểu các biến dạng trong hình dạng của giác mạc.
Phẫu thuật cross-linking: Là phẫu thuật không xâm lấn thường được sử dụng để ngăn chặn sự phát triển của bệnh giác mạc hình chóp. Bác sĩ sẽ sử dụng một dung dịch chứa vitamin B2 nhỏ vào giác mạc sau đó chiếu tia cực tím lên mắt giúp cho giác mạc chắc chắn hơn.
Phẫu thuật ghép giác mạc: Trong các trường hợp nặng hơn khiến cho thị lực suy giảm nghiêm trọng, không thể kiểm soát được bằng các phương pháp khác, người bệnh sẽ được phẫu thuật ghép giác mạc một phần hoặc toàn bộ để khôi phục lại thị lực ban đầu.
Giác mạc hình chóp có những dấu hiệu dễ gây nhầm lẫn với các bệnh về mắt khác, đặc biệt là ở giai đoạn đầu. Chính vì thế, người bệnh nên đến thăm khám tại các cơ sở y tế để tìm ra phương pháp điều trị phù hợp với tình trạng cụ thể của bản thân.
Khoa mắt của BVĐK Sông Thương là địa chỉ uy tín chữa trị các bệnh về mắt, hãy liên hệ qua hotline: 0916.698.115 để được tư vấn và đặt lịch khám.
------------
BỆNH VIỆN ĐA KHOA SÔNG THƯƠNG
HOTLINE: 0204 3686 333 - 0916 698 115
FANPAGE: https://www.facebook.com/BVDKSongThuongBacGiang
ZALO: https://zalo.me/bvdksongthuong
ĐỊA CHỈ: 256-258 Lê Lợi, phường Hoàng Văn Thụ, TP. Bắc Giang, Bắc Giang.
Bạn chưa có Tài khoản? Vui lòng đăng ký Tài khoản mới tại đây