457 lượt xem

Những Điều Cần Biết Về Phân Loại Bệnh Đục Thủy Tinh Thể

Đục thủy tinh thể là tình trạng thủy tinh thể bị mờ đục, gây suy giảm thị lực. Đây là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa ở Việt Nam và trên toàn thế giới. Tìm hiểu về các loại đục thủy tinh thể giúp người bệnh phát hiện bệnh sớm và có giải pháp can thiệp kịp thời. Có nhiều tiêu chí để phân loại đục thủy tinh thể, đánh giá dựa trên mức độ, nguyên nhân và vị trí, hình thái của bệnh.

Những Điều Cần Biết Về Phân Loại Bệnh Đục Thủy Tinh Thể

Phân loại bệnh đục thể thuỷ tinh theo nguyên nhân:


– Đục thể thủy tinh tuổi già:


Đây là nguyên nhân thường gặp, đứng hàng đầu trong các nguyên nhân gây giảm thị lực ở người cao tuổi. Đục thể thủy tinh tuổi già có 3 hình thái chính: đục nhân, đục vỏ, và đục dưới bao sau.


– Đục thể thủy tinh bệnh lý:


+ Đục thể thủy tinh là hậu quả của một số tình trạng bệnh lý tại mắt hoặc toàn thân. Ví dụ đục thể thủy tinh sau viêm màng bồ đào, đục thể thủy tinh do đái tháo đường, do giảm calci huyết…Tuỳ từng nguyên nhân gây ra mà đục thể thủy tinh có đặc điểm khác nhau.


+ Đục thể thủy tinh do dùng thuốc: một số thuốc sử dụng trên lâm sàng kéo dài có thể gây ra đục thể thủy tinh, ví dụ: corticosteroid, phenothiazine, amiodarone…, thường gặp nhất là đục dưới bao sau do dùng corticosteroid kéo dài. Đục TTT có thể gặp do dùng thuốc có corticosteroid theo nhiều đường khác nhau: toàn thân, tra rỏ tại chỗ, tiêm dưới kết mạc, cạnh nhãn cầu, và cả đường xịt mũi (nasal spray).



+ Đục thể thủy tinh do chấn thương: có thể do rách vỡ bao làm nước ngấm vào thể thủy tinh gây đục ngay sau chấn thương, hoặc do tổn thương vi thể bao thể thủy tinh gây rối loạn chuyển hoá làm thể thủy tinh đục sau một thời gian dài.


+ Hội chứng giả bong bao thể thuỷ tinh (pseudoexfoliation): Khám trên lâm sàng thường thấy những vẩy màu trắng xám bám dọc theo bờ đồng tử, trên mặt trước của bao thể thuỷ tinh …. Ở những bệnh nhân này, đồng tử thường kém dãn hoặc không dãn, kèm theo sự suy yếu của hệ thống dây treo của thể thuỷ tinh gây lệch thể thuỷ tinh từng phần hoặc hoàn toàn và tăng nhãn áp. Đây là những yếu tố có ảnh hưởng không tốt đến tiên lượng của phẫu thuật thể thuỷ tinh.



+ Đục TTT bẩm sinh: do bất thường trong quá trình tạo phôi


+ Các nguyên nhân đục TTT hiếm gặp khác: do điện giật, bỏng, nhiễm kim loại, tia xạ…


Phân loại đục thể thuỷ tinh theo hình thái:


– Đục nhân TTT (nuclear cataract): là tình trạng đục vùng trung tâm của TTT, nhân trung tâm chuyển sang màu vàng, rồi vàng nâu, nâu, nâu đen. 



– Đục vỏ TTT (cortical cataract): còn gọi là đục hình chêm, do lớp vỏ bị đục. Có thể đục vỏ sau hoặc vỏ trước, tuỳ vị trí đục mà ảnh hưởng đến chức năng thị giác ở mức độ khác nhau. Tuy vậy đục vỏ dễ tiến triển nhanh, gây giảm thị lực sớm vì vậy khi phẫu thuật độ cứng của TTT thường không cao.



– Đục dưới bao sau (posterior subcapsular cataract): thường gặp ở người trẻ hơn so với bệnh nhân đục các hình thái khác. Đục khu trú ngay ở lớp vỏ dưới bao sau, đúng trục thị giác nên bệnh nhân có cảm giác chói khi ra ánh sáng, thị lực giảm nhiều không tương xứng với mức độ đục.



– Đục hỗn hợp: trên một bệnh nhân có thể gặp phối hợp nhiều hình thái đục khác nhau.


– Đục hoàn toàn (mature catact), có 2 hình thái đục hoàn toàn.


+ Đục vỏ hoàn toàn (cortical mature cataract): toàn bộ phần vỏ từ bao tới nhân đục trắng nên còn gọi là đục trương (intumescent cataract). Trong hình thái này, độ cứng của nhân thường không cao, tuy nhiên khi phẫu thuật Phaco rất dễ rách bao sau do TTT không còn lớp vỏ đệm. Mức độ nặng hơn, lớp vỏ TTT có thể hoá lỏng làm nhân trung tâm chìm xuống dưới gọi là đục quá chín (hypermature cortical cataract) hay đục Morgagnian.



+ Đục nhân hoàn toàn (nuclear mature cataract): toàn bộ nhân trung tâm đục cứng, màu nâu đen, hầu như không còn lớp vỏ nhân, nên còn gọi là đục nâu (brunescent cataract). Đây là hình thái rất khó cho phẫu thuật Phaco do nhân rất cứng, khó tán nhuyễn, năng lượng Phaco cao dễ làm tổn thương các thành phần khác trong nội nhãn, dễ xảy ra biến chứng.


Phân loại theo độ cứng của nhân TTT.


Căn cứ vào việc khám trên sinh hiển vi, màu sắc của nhân và ánh đồng tử, bệnh ĐTTT chia ra 5 mức độ:


– Độ I: nhân mềm, còn trong, ánh đồng tử hồng đều. Thường gặp ở người trẻ hoặc đục nhân bẩm sinh, chấn thương.

– Độ II: Nhân mềm vừa phải, màu xanh vàng, ánh đồng tử màu vàng nhạt

– Độ III: Nhân cứng trung bình, màu vàng hổ phách, ánh đồng tử màu xám nhạt.

– Độ IV: Nhân cứng, màu nâu, ánh đồng tử tối.

– Độ V: Nhân rất cứng, màu nâu đen hoặc màu đen, ánh đồng tử tối.


Bệnh viện Đa khoa Sông Thương với các thiết bị hiện đại được thực hiện bởi đội ngũ Y Bác sĩ giàu kinh nghiệm, sẵn lòng phục vụ người bệnh trong việc phát hiện và điều trị các bệnh lý về mắt.


☎️ Qúy khách có nhu cầu phát hiện và điều trị bệnh đục thủy tinh thể, vui lòng liên hệ hotline để được hỗ trợ: 𝟎𝟗𝟏 𝟔𝟔𝟗 𝟖𝟏𝟏𝟓

Bệnh viện khám chữa bệnh BHYT tất cả các ngày trong tuần, kể cả thứ 7, chủ nhật.

-------------

BỆNH VIỆN ĐA KHOA SÔNG THƯƠNG

HOTLINE: 0204 3686 333 - 0916 698 115

FANPAGE: https://www.facebook.com/BVDKSongThuongBacGiang

ĐỊA CHỈ: 256-258-260 Lê Lợi, phường Hoàng Văn Thụ, TP. Bắc Giang, Bắc Giang.

Hoài Thu

ĐĂNG KÝ KHÁM

Đặt hẹn ngay để nhận tư vấn và xếp lịch khám kịp thời.

Vui lòng nhập họ tên Vui lòng nhập số điện thoại

Chọn ngày khám bệnh

Gian hàng trực tuyến

 slider
 slider
 slider