Nhiễm trùng đường tiết niệu là tình trạng viêm nhiễm ở bất kỳ bộ phận nào của hệ tiết niệu – thận, niệu quản, bàng quang và niệu đạo. Trong đó, hầu hết các bệnh nhiễm khuẩn thường liên quan đến đường tiết niệu dưới gồm bàng quang và niệu đạo.
1. Nguyên nhân gây nhiễm trùng đường tiết niệu
Vi khuẩn Escherichia coli (E.coli) là nguyên nhân chính gây nên bệnh lý nhiễm trùng đường tiểu, được tìm thấy ở ruột. Bệnh có thể do một số vi khuẩn khác gây ra như Enterococcus; Streptococcus nhóm B, nhóm A; Enterobacteriaceae; Pseudomonas spp,...
Vi khuẩn E.coli khi ở trên da hoặc gần hậu môn có thể vào trong đường tiết niệu và di chuyển lên đến các bộ phận khác của cơ thể. Ở nữ giới, đường tiểu và hậu môn gần nhau hơn ở nam giới, nên nguy cơ mắc bệnh lý này sẽ cao hơn.
Vi khuẩn có thể đi vào trong đường tiết niệu thông qua các dụng cụ y tế như ống thông dùng trong y khoa, dụng cụ dùng để tán sỏi hoặc dùng để loại bỏ các dị vật làm tắc nghẽn đường tiểu,...
Nhiễm trùng đường tiết niệu cũng có thể xảy ra do sự xâm nhiễm từ các cơ quan lân cận như nhiễm khuẩn ổ bụng, nhiễm khuẩn cơ quan sinh dục, rò tiêu hóa, rò bàng quang âm đạo.
2. Dấu hiệu nhiễm trùng đường tiết niệu
Nhiễm khuẩn đường tiểu có thể có hoặc không có triệu chứng. Dấu hiệu nhiễm trùng tiểu bao gồm:
- Nóng rát khi đi tiểu
- Tăng tần suất đi tiểu mà không tiểu được nhiều
- Tăng tính khẩn cấp của việc đi tiểu
- Nước tiểu đục, có máu, hoặc có màu như nước trà đặc. Nước tiểu nặng mùi.
- Đau vùng chậu ở phụ nữ
- Đau trực tràng ở nam giới
Nhiễm khuẩn đường tiết niệu phía trên ảnh hưởng đến thận. Các triệu chứng của nhiễm khuẩn đường tiểu trên có thể là:
- Đau ở phần lưng trên và hai bên
- Cảm giác ớn lạnh
- Sốt
- Buồn nôn, nôn mửa
3. Điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu
Trường hợp nhiễm trùng đường tiểu cấp tính, cần bất động bệnh nhân, tăng cường lợi tiểu bằng cách truyền dịch và cho bệnh nhân uống nhiều nước để lợi tiểu.
Dùng kháng sinh đặc hiệu liều cao, phối hợp các nhóm kháng sinh để tránh tình trạng kháng thuốc, dùng kháng sinh từ 5-7 ngày.
Có thể dùng thêm các loại thuốc sát khuẩn đường niệu như: Negram, Nitrofurantoin, Mictasol Blue...
Chế độ ăn nhẹ, giảm đạm động vật, giảm muối, không nên ăn các thức ăn đóng hộp.
Tìm hiểu và giải quyết triệt để nguyên nhân gây bệnh.
Trong thời kỳ mang thai, nếu bị viêm bể thận - thận cấp thì nguy cơ bị nhiễm khuẩn huyết rất cao, thậm chí có thể dẫn đến sảy thai, do đó cần nghiên cứu phá thai (trong 6 tháng đầu) hoặc đẻ non.
4. Phòng tránh nhiễm trùng đường tiết niệu
Việc phòng bệnh bao giờ cũng đơn giản và hiệu quả hơn chữa bệnh. Vì thế, bạn có thể thực hiện một số biện pháp sau đây để làm giảm nguy cơ nhiễm khuẩn đường tiết niệu:
- Uống đủ nước mỗi ngày: Bệnh nhân có thể sử dụng nước lọc hoặc nước ép để uống nhằm lọc đường tiết niệu và hỗ trợ điều trị;
- Vệ sinh sạch sẽ, nên lau chùi từ trước ra sau, tránh thụt rửa và xịt nước sâu vào trong âm đạo. Nên tắm vòi sen hơn là tắm bồn. Mặc quần lót làm từ cotton và tránh các loại quần chật;
- Trước và sau khi quan hệ tình dục cần vệ sinh sạch sẽ, tránh đặt màng ngăn tinh trùng hoặc dùng thuốc diệt tinh trùng;
- Nên tiểu thường xuyên và làm rỗng bàng quang hoàn toàn;
- Thuốc tránh thai có thể gây tương tác với một số loại thuốc kháng sinh, do đó cần báo cho bác sĩ biết nếu đang dùng thuốc tránh thai;
- Nếu bệnh nhân hay bị nhiễm trùng đường tiểu, bác sĩ sẽ kê thuốc kháng sinh để phòng ngừa bệnh.
Khi được điều trị kịp thời và đúng cách, nhiễm trùng tiết niệu hiếm khi dẫn đến biến chứng. Ngược lại, trong trường hợp điều trị không hiệu quả hoặc quá muộn, tình trạng này có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng.
Liên hệ ngay Hotline 0916 698 115 để được tư vấn và đặt lịch khám hoàn toàn miễn phí!
------------
BỆNH VIỆN ĐA KHOA SÔNG THƯƠNG
HOTLINE: 0204 3686 333 - 0916 698 115
FANPAGE: https://www.facebook.com/BVDKSongThuongBacGiang
ZALO: https://zalo.me/bvdksongthuong
ĐỊA CHỈ: 256-258 Lê Lợi, phường Hoàng Văn Thụ, TP. Bắc Giang, Bắc Giang.
Bạn chưa có Tài khoản? Vui lòng đăng ký Tài khoản mới tại đây