Thời tiết thay đổi là điều kiện thuận lợi để các loại virus, vi khuẩn gây bệnh phát triển và hoạt động mạnh, gây bệnh cảm cúm. Vì vậy chúng ta cần trang bị cho mình kiến thức cần thiết để phòng ngừa và điều trị bệnh cảm cúm.
Nguyên nhân gây cảm cúm
Nguyên nhân gây cảm cúm là do virus Influenza. Bệnh lây nhiễm qua đường hô hấp khi nói chuyện trực tiếp, ho, hắt hơi…Lúc này, virus cúm sẽ theo dịch ra ngoài và bám vào đồ vật xung quanh. Nếu nói chuyện trực tiếp với người bệnh hoặc chạm những đồ vật đã nhiễm virus, bạn có nguy cơ cao mắc cảm cúm.
Triệu chứng cảm cúm
Khi bị bệnh cúm, người bệnh sẽ có các triệu chứng như:
Thời gian ủ bệnh: Thường từ 1-4 ngày, trung bình là 2 ngày.
Thời kỳ lây bệnh: Người bệnh đào thải virus khoảng 1-2 ngày trước khi khởi phát và 3-5 ngày sau khi có triệu chứng lâm sàng.
Khi bị bệnh cúm, người bệnh sẽ có các triệu chứng như:
- Sốt, có thể sốt cao, ớn lạnh và đổ mồ hôi.
- Chảy nước mũi, nước mắt, ngạt mũi, hắt hơi.
- Đau họng.
- Ho, cơn ho ngắn, không có đờm.
- Đau đầu, đau cơ hoặc đau nhức cơ thể.
- Mệt mỏi, chán ăn, có cảm giác như kiệt sức.
- Có thể kèm theo các triệu chứng đường tiêu hóa (buồn nôn, nôn, ỉa chảy), đặc biệt ở trẻ em.
Thông thường, bệnh diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 7 ngày. Ở trẻ em và người lớn tuổi, người mắc bệnh mạn tính về tim, phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc người có suy giảm miễn dịch, bệnh có thể diễn biến nặng hơn và có thể gây biến chứng như viêm tai, viêm xoang, viêm phế quản, viêm phổi.
Điều trị cảm cúm tại nhà
Sử dụng thuốc trị cảm cúm
Trị cảm tại nhà bằng các loại thuốc cảm cúm thông dụng là biện pháp được nhiều người lựa chọn. Trong đó các loại thuốc thường được chỉ định là: Decolgen, Ameflu, Panadol Extra, cảm xuyên hương,...
Nghỉ ngơi
Khi bị cảm cúm, người bệnh thường cảm thấy mệt mỏi, uể oải và khó chịu. Vì vậy việc nghỉ ngơi để lấy lại sức khỏe là hết sức cần thiết. Người bệnh nên ngủ đủ giấc mỗi ngày để đạt được thể trạng và sức khỏe tốt.
Ngoài ra người bệnh nên hạn chế tiếp xúc với những người xung quanh để giảm bớt nguy cơ lây bệnh, bảo vệ người thân.
Uống nhiều nước ấm giảm triệu chứng cảm cúm
Thông thường khi bị cảm cúm nhiệt độ cơ thể của người bệnh tăng cao dễ dẫn tới tình trạng mất nước. Chính vì thế bác sĩ thường khuyên người bệnh nên uống thêm nước để có thể hạ nhiệt từ bên trong.
Chính vì thế người bệnh nên lưu ý cố gắng cung cấp đủ nước cho cơ thể bao gồm: Uống nước hoa quả, nước lọc hoặc đồ uống có chứa chất điện giải.
Có một mẹo nhỏ là quan sát màu nước tiểu để biết được mình đã uống đủ nước hay chưa. Nếu màu nước tiểu là vàng nhạt hoặc không màu thì có nghĩa là bạn đã uống đủ nước.
Ăn thức ăn dạng lỏng
Người bệnh mắc cảm cúm thường cảm thấy miệng rất đắng, ăn gì cũng có cảm giác khó nuốt và không ngon.
Vì thế người mắc cảm cúm nên được ăn các đồ ăn lỏng, đặc biệt là cháo gà hoặc súp gà.
Mặc quần áo thoải mái
Một vài người bệnh cảm cúm có thể bị sốt, việc mặc trang phục rộng và thoáng sẽ giúp cơ thể dễ dàng tỏa nhiệt hơn.
Ngược lại nếu mặc quá nhiều quần áo hoặc lựa chọn các trang phục bó sát có thể làm tăng nhiệt độ của cơ thể. Vì thế chỉ nên giữ ấm cho cơ thể bằng lượng quần áo vừa đủ.
Bên cạnh đó khi bị sốt cao người bệnh nên sử dụng khăn ấm để chườm lên trán và lau tại các khu vực như nách và bẹn để cơ thể tỏa nhiệt nhanh hơn, tránh tình trạng sốt cao dẫn tới co giật.
Xông hơi giảm cảm cúm
Thông thường bệnh cảm cúm có thể gây ra tình trạng nghẹt mũi khiến người bệnh cảm thấy khó chịu. Việc xông hơi sẽ giúp việc thở không còn quá nặng nề.
Nếu không có máy xông hơi, người bệnh có thể xông truyền thống với việc đun nước nóng, sau đó trùm chăn để hơi nước bốc lên mũi, mặt. Tiếp sau đó hãy thư giãn trong khoảng thời gian 30 phút người bệnh sẽ cảm thấy dễ chịu. Hãy thêm vào nồi xông một vài giọt tinh dầu bạc hà hoặc tinh dầu tràm để tăng khả năng kháng khuẩn và dễ chịu hơn.
Súc miệng nước muối
Súc miệng bằng nước muối cũng là một trong những cách chữa cảm cúm tại nhà được nhiều người lựa chọn. Nước muối sẽ tăng hiệu quả kháng viêm, đồng thời loại bỏ bớt dịch nhầy còn tích tụ ở cổ họng.
Vệ sinh mũi sạch sẽ
Người bệnh cần vệ sinh mũi sạch sẽ để tránh chảy nước mũi và nhiễm trùng xoang sau cảm cúm. Việc xịt rửa không nên quá mạnh để tránh dịch chảy sang gây viêm tai,...
Giữ gìn vệ sinh không gian sống
Người bệnh nên dọn dẹp nhà cửa thường xuyên, nếu có hãy sử dụng máy lọc không khí để giúp môi trường sống trong lành hơn.
Bên cạnh đó hãy sử dụng máy tạo độ ẩm để làm ẩm hệ hô hấp, giúp giảm các biểu hiện đau họng và nghẹt mũi. Sau khi sử dụng hãy dùng các loại máy móc để ngăn ngừa nấm mốc phát triển.
Phòng ngừa bệnh cảm cúm như thế nào?
- Giữ vệ sinh môi trường sống, vệ sinh cá nhân tốt;
- Thường xuyên rửa sạch tay bằng xà phòng;
- Giữ ấm cơ thể khi thời tiết thay đổi, đặc biệt khi giao mùa chuyển từ nóng sang lạnh;
- Hạn chế tiếp xúc nguồn bệnh, nhất là những người có biểu hiện mắc bệnh đường hô hấp. Khi tiếp xúc phải đeo khẩu trang để tránh lây nhiễm. Đeo khẩu trang khi đến chỗ đông người;
- Che miệng khi ho và hắt hơi, không khạc nhổ bừa bãi;
- Tập thể dục đều đặn bằng các hình thức tập luyện phù hợp với bản thân để cơ thể luôn khoẻ mạnh;
- Ăn uống đủ chất, tăng cường bổ sung các loại vitamin, nhất là vitamin C giúp nâng cao sức đề kháng cho cơ thể bằng các thực phẩm giàu vitamin C như: rau xanh, các loại quả như táo, cam, quýt, bưởi…;
- Chủ động tiêm vaccine phòng cúm. Các vaccine phòng cúm an toàn và có hiệu quả phòng các thể nhẹ và nặng của cúm, tỷ lệ bảo vệ tương đối cao 70-90%.
Không giống như cảm lạnh thông thường, cúm là bệnh lý dễ gây nguy hiểm cho nhiều người nếu không có sự phòng ngừa và nâng cao sức khỏe. Bảo vệ bản thân trước nguy cơ nhiễm cúm cũng là cách để bảo vệ sức khỏe cho người thân và cộng đồng.
Khi có các dấu hiệu bệnh cúm, bạn có thể đến ngay Bệnh viện Đa khoa Sông Thương để được khám và điều trị kịp thời.
------------
BỆNH VIỆN ĐA KHOA SÔNG THƯƠNG
HOTLINE: 0204 3686 333 - 0916 698 115
FANPAGE: https://www.facebook.com/BVDKSongThuongBacGiang
ZALO: https://zalo.me/bvdksongthuong
ĐỊA CHỈ: 256-258 Lê Lợi, phường Hoàng Văn Thụ, TP. Bắc Giang, Bắc Giang.
Bạn chưa có Tài khoản? Vui lòng đăng ký Tài khoản mới tại đây