Thoái hóa khớp là căn bệnh có thể dẫn đến suy giảm chức năng vận động, thậm chí gây bại liệt, tàn phế, từ đó ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng sống của người bệnh. Đáng lo ngại là số ca mắc bệnh hiện nay đang ngày càng tăng nhanh với nhiều trường hợp là người trẻ tuổi.
1. Bệnh thoái hóa khớp là gì?
Thoái hóa khớp là tình trạng tổn thương sụn khớp và xương dưới sụn, kèm theo phản ứng viêm, giảm thiểu lượng dịch khớp. Bình thường, sụn khớp nguyên vẹn, trơn láng và cấu trúc xương dưới sụn ổn định. Tuy nhiên, khi khớp bị thoái hóa, sụn khớp bị bào mòn, xù xì và nặng hơn có thể trơ ra đầu xương dưới sụn. Đồng thời, vùng xương dưới sụn cũng thay đổi cấu trúc dẫn đến phản ứng tạo các chất gây viêm, xuất hiện các triệu chứng như đau, sưng tấy.
Theo nghiên cứu, hơn 50% người trưởng thành trên 65 tuổi bị ảnh hưởng bởi bệnh thoái hóa khớp. Tình trạng này có liên quan đến đau, mất chức năng và giảm sức bền, cuối cùng dẫn đến tăng cân và các biến chứng liên quan. Tuy nhiên, bệnh thoái hóa khớp đang có dấu hiệu ‘trẻ hóa’, đặc biệt là ở Việt Nam: người trên 35 tuổi chiếm 30%, 60% người trên 65 tuổi và có tới hơn 85% ở người trên tuổi 85.
2. Nguyên nhân thoái hóa khớp thường gặp
Bình thường, sụn khớp được tái tạo đều đặn để bảo đảm chức năng khớp. Sau khoảng 30 tuổi, sự tái tạo giảm đi và sự thoái hóa diễn ra nhiều hơn. Thoái hóa khớp chính là sự mất cân bằng giữa tái tạo và thoái hóa này của sụn khớp, xương dưới sụn khiến sụn khớp và xương dưới sụn bị tổn thương. Một số yếu tố có thể tác động đến quá trình này đó là:
- Tuổi tác: Thoái hóa khớp thường bắt đầu xuất hiện từ sau tuổi 40. Tuổi càng cao thì nguy cơ mắc bệnh càng lớn.
- Béo phì: Béo phì dễ dẫn đến thoái hóa khớp, đặc biệt là khớp gối.
- Tổn thương khớp: Khớp bị tổn thương (chấn thương) hoặc hoạt động quá sức (khiêng vác, đi cầu thang bộ nhanh, nhiều).
- Dị dạng bẩm sinh về khớp: Người có khớp bất thường bẩm sinh hoặc xảy ra lúc trẻ sẽ dẫn đến thoái hóa khớp sớm và trầm trọng hơn bình thường.
- Gen di truyền: Một số bệnh khớp có liên quan đến gen di truyền.
- Chấn thương khớp: Nguyên nhân làm tăng tỷ lệ thoái hóa khớp ở người trẻ tuổi
3. Triệu chứng và biểu hiện thoái hóa khớp
Thoái hóa khớp thường có các triệu chứng như đau khớp, cứng khớp, biến dạng khớp, teo cơ, có tiếng lạo xạo khi cử động, tràn dịch khớp làm vùng khớp bị tổn thương sưng to… Thoái hóa khớp thường xảy ra ở hầu hết các khớp, nhưng có một số vị trí phổ biến như khớp gối, khớp háng, cột sống... Tùy thuộc vào vị trí thoái hóa khớp sẽ có những triệu chứng cụ thể khác nhau:
Các vị trí khớp dễ thoái hóa (Nguồn: Internet)
- Thoái hóa cột sống thắt lưng
Thoái hóa cột sống thắt lưng là loại tổn thương cột sống thường gặp nhất, đôi khi ảnh hưởng đến thần kinh tọa khiến người bệnh có cảm giác đau rất mạnh từ lưng xuống mặt trong đùi và chân.
Giai đoạn đầu, người bệnh thấy đau nhiều khi mới ngủ dậy và thường diễn ra trong 30 phút. Sau đó, cơn đau sẽ giảm dần nhưng âm ỉ kéo dài cả ngày và thỉnh thoảng sẽ tăng lên khi người bệnh làm việc nhiều, khiêng vác nặng.
- Thoái hóa cột sống cổ
Thoái hóa cột sống cổ có biểu hiện là cảm giác đau mỏi phía sau gáy, lan đến cánh tay, bàn tay ở phía có dây thần kinh bị chèn ép ảnh hưởng.
- Thoái hóa khớp gối
Bệnh thoái hóa khớp gối rất phổ biến vì loại khớp này luôn phải gánh chịu một trọng lực rất lớn để giữ cơ thể đứng vững, xoay và di chuyển.
Triệu chứng thường gặp: Đau ở phía trước và bên cạnh đầu gối. Khớp yếu đi khiến đầu gối khuỵu xuống khi phải chịu sức nặng. Người bệnh ngồi xổm và đứng dậy rất khó khăn, nặng hơn sẽ thấy tê chân, biến dạng nhẹ ở khớp gối.
- Thoái hóa khớp háng
Thoái hóa khớp háng có thể xảy ra ở một bên hoặc cả hai khiến người bệnh gặp khó khăn trong việc vận động hàng ngày.
Triệu chứng thường gặp: cảm giác đau sâu bên trong phía trước háng, cũng có thể đau ở bên cạnh hoặc phía trước đùi, ở sau mông và lan xuống đầu gối.
- Thoái hóa khớp ngón tay, bàn tay
Bệnh thường tác động lên vùng gốc của ngón cái và các khớp ngón tay. Các khớp sưng đau, đặc biệt là khi bệnh vừa mới bắt đầu. Sau đó, các khớp khiến ngón tay có thể hình thành các nốt cứng, trở nên gồ ghề và cong nhẹ.
- Thoái hóa bàn chân
Thoái hóa khớp ở bàn chân thường tác động vào gốc của ngón cái, có thể làm ngón này bị cứng lại hoặc cong vẹo, khiến cho việc đi đứng trở nên khó khăn và đau đớn.
- Thoái hóa gót chân
Là do xương gót thoái hóa hình thành các gai xương làm người bệnh có cảm giác bị thốn (đau) ở gót khi bước đi hoặc vận động chạy nhảy.
4. Chẩn đoán và điều trị thoái hóa khớp tại Bệnh viện Đa khoa Sông Thương
Chẩn đoán bệnh
Người bệnh đến bệnh viện Đa khoa Sông thương được các bác sĩ có chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm khám lâm sàng kết hợp với các kỹ thuật cận lâm sàng hiện đại như siêu âm, chụp Xquang kỹ thuật số, chụp CT Scanner, các xét nghiệm cần thiết để chẩn đoán xác định, chẩn đoán mức độ, giai đoạn bệnh và nguyên nhân gây bệnh từ đó đưa ra giải pháp điều trị tối ưu cho người bệnh.
Điều trị thoái hóa khớp bằng Vật lý trị liệu - Phục hồi chức năng
- Nhiệt trị liệu: Sử dụng nhiệt nóng như: Nhiệt hồng ngoại, túi chườm, xông hơi thuốc hoặc nhiệt sâu như sóng ngắn, siêu âm điều trị nhằm giảm đau, giảm co thắt các cơ, tăng tuần hoàn dinh dưỡng, chống viêm…
- Điện trị liệu: Với hệ thống máy điện xung, điện phân được sản xuất tại Châu Âu, tiêu chuẩn chất lượng cao, đảm bảo an toàn, nhiều chế độ lựa chọn, cảm giác êm dịu mang lại hiệu quả cao trong điều trị các bệnh xương khớp, đặc biệt hiệu quả với các bệnh thoái hóa khớp.
- Xoa bóp trị liệu: Xoa bóp là một thủ thuật bằng tay được các kỹ thuật viên lành nghề thực hiện cho người bệnh nhằm giúp thư giãn cơ, đặc biệt là những nhóm cơ đã bị co cứng trước đó do các bệnh về gân, khớp, dây chằng, giúp tăng tính linh hoạt của khớp và cải thiện vận động cho người bệnh. Xoa bóp còn tác động lên hệ thần kinh giúp giảm đau nhanh, làm tăng tuần hoàn dinh dưỡng nên làm chậm quá trình thoái hóa. Ngoài ra xoa bóp bấm huyệt còn giúp điều hòa chức năng nội tạng, tăng cường nhu động của dạ dày, ruột và cải thiện chức năng tiêu hoá.
- Vận động trị liệu: Được thực hiện bởi các bác sĩ, kỹ thuật viên nhiều kinh nghiệm, vận động trị liệu nhằm cải thiện chức năng của khớp và cơ (cơ lực, tầm vận động) và từ đó cải thiện các khả năng đứng, đi, vận động chạy nhảy. Các khớp xương được nuôi dưỡng là nhờ quá trình vận động hàng ngày. Khi khớp bị tổn thương người bệnh thường ít vận động do đau, vì vậy khớp ít được nuôi dưỡng và ứ đọng các chất trung gian hóa học gây tổn thương khớp. Mặt khác khi khớp hạn chế vận động thời gian dài dẫn tới co rút, xơ hóa các gân cơ, dây chằng quanh khớp làm cho tầm vận động của khớp bị hạn chế. Chính vì vậy việc thực hiện vận động khớp và các bài tập đúng cách có ý nghĩa quan trọng trong điều trị và phòng ngừa các bệnh xương khớp mãn tính.
- Kéo giãn cột sống và các khớp: Kéo cột sống là một phương pháp vật lý trị liệu dùng lực kéo của máy kéo giãn để phân tán lực đó lên một và nhiều khớp trong cột sống để từ đó có thể làm tách rời chúng, sau đó nắn chỉnh những khớp bị tổn thương và bất thường. Kéo nắn các khớp là kỹ thuật nắn chỉnh các khớp, cột sống bằng tay giúp giải phóng các khớp tắc nghẽn hoặc bán trật khớp được thực hiện bởi các bác sĩ có chuyên môn cao nhiều kinh nghiệm.
Ngoài các kỹ thuật cơ bản trên tại Bệnh viện Đa khoa Sông thương còn được trang bị nhiều máy móc hiện đại điều trị các bệnh xương khớp như: Điện từ trường, sóng sung kích và kết hợp với các phương thức khác như: YHCT, điều trị nội khoa bằng thuốc (Tiêm nội khớp, cạnh khớp) tư vấn chế độ dinh dưỡng hợp lý, bài tập tại nhà… mang lại hiệu quả điều trị cao cho người bệnh.
Tại Bệnh viện Đa khoa Sông Thương thực hiện khám và điều trị cho người bệnh theo giờ hành chính tất cả các ngày trong tuần (người bệnh có thẻ BHYT được hưởng chế độ theo quy định).
Bệnh viện khám chữa bệnh BHYT tất cả các ngày trong tuần, kể cả thứ 7, chủ nhật
-------------
BỆNH VIỆN ĐA KHOA SÔNG THƯƠNG
HOTLINE: 0204 3686 333 - 0916 698 115
FANPAGE: https://www.facebook.com/BenhvienSongThuong
BSCKII. Trần Văn Vương - Trưởng khoa YHCT - PHCN
Bạn chưa có Tài khoản? Vui lòng đăng ký Tài khoản mới tại đây