573 lượt xem

Cảnh báo rủi ro khi lạm dụng Corticoid (Phần 1)

Corticoid là một loại thuốc hiệu quả trong điều trị và được kê đơn phổ biến. nhưng khi lạm dụng quá nhiều cũng có thể gây ra một số tác dụng phụ ảnh hưởng đến sức khỏe.

Cảnh báo rủi ro khi lạm dụng Corticoid (Phần 1)


1. Corticoid là thuốc gì?


Corticoid là thuốc có tác dụng giống hormon cortisol được sản xuất từ vỏ thượng thận (Ví dụ: Prednisolone, Methylprednisolone, Hydrocortisol, Betamethasone, Fluticasone…).


Corticoid giúp làm giảm sưng, ngứa, mẩn đỏ và các phản ứng dị ứng nên thường được bác sĩ kê đơn để điều trị các bệnh như: hen suyễn, viêm khớp, lupus, dị ứng…


Thuốc có các dạng bào chế phong phú như dạng thuốc viên uống, dạng bột pha tiêm, xịt, bôi...


2. Thực trạng lạm dụng Corticoid


Corticoid được ví như con dao hai lưỡi, mà lưỡi nào cũng sắc. Một mặt, thuốc cho hiệu quả giảm đau, chống viêm tức thì ngay sau khi sử dụng nên có thể coi là “thần dược”. Mặt khác, do được coi là “thần dược” nên Corticoid hiện nay bị “lạm dụng tới mức phổ biến” khi thuốc được bán tràn lan tại các nhà thuốc, hiệu thuốc khi không có đơn của bác sĩ. Bệnh nhân thường tự đi mua thuốc tây, thuốc nam, thuốc bắc có thành phần hoặc trộn lẫn Corticoid được hiệu thuốc, thầy lang bán để điều trị các bệnh về cơ xương khớp, bệnh hô hấp, viêm nhiễm, dị ứng…Khi sử dụng Corticoid liều cao trong một thời gian dài không đúng chỉ định hoặc ngừng thuốc đột ngột sẽ để lại nhiều hậu quả từ nhẹ đến nặng thậm chí nghiêm trọng.


Một số tác hại nghiêm trọng có thể kể đến khi lạm dụng Corticoid quá nhiều như là:


- Làm suy vỏ thượng thận, loãng xương, rối loạn nước điện giải, rối loạn giấc ngủ, trầm cảm…


- Dùng corticoid ở trẻ em có thể gây ức chế phát triển chiều cao.


- Corticoid dạng uống được sử dụng nhiều nhất, dùng không đúng chỉ định có thể dẫn đến hội chứng giả Cushing (mặt tròn như mặt trăng: tích mỡ không đều tập trung ở vùng mặt gáy và eo và teo cơ các chi), viêm loét, chảy máu dạ dày.


- Một số bệnh nhân có tiền sử tiểu đường, khi dùng corticoid làm đường huyết không kiểm soát được kèm tăng nguy cơ nhiễm trùng.


- Corticoid dạng hít có thể dẫn đến nấm họng, khàn tiếng.


- Corticoid dạng bôi trong chăm sóc làm đẹp có thể dẫn đến mỏng da, đỏ da và mụn trứng cá.


- Sử dụng Corticoid không đúng theo chỉ định của bác sĩ có thể dẫn đến tăng nhãn áp, đục thủy tinh thể.


3. Một số lưu ý giúp giảm tác dụng phụ khi dùng thuốc


Người bệnh có thể áp dụng một số cách dưới đây để giảm thiểu tác dụng phụ do sử dụng Corticoid sau khi trao đổi với bác sĩ điều trị.


- Sử dụng liều lượng thấp hoặc ngắt quãng.

- Sử dụng Corticoid tại chỗ nếu có thể.

- Chế độ ăn uống lành mạnh và tập thể dục thường xuyên.

- Ăn một chế độ ăn ít muối và giàu kali.

- Giảm liều từ từ khi ngừng điều trị nếu bạn đã sử dụng Corticoid trong thời gian dài. Điều này cho phép tuyến thượng thận của bạn có thời gian để điều chỉnh.

- Với thuốc Corticoid đường uống: nên dùng thuốc sau bữa ăn để hạn chế tác dụng phụ của thuốc trên đường tiêu hóa (kích ứng dạ dày).

- Nên súc miệng bằng nước, không nuốt sau mỗi lần dùng thuốc Corticoid dạng hít để tránh tác dụng phụ đau họng, nấm miệng.

- Đối với thuốc Corticoid bôi da: nên bôi một lớp mỏng trên vùng da bệnh, không bôi thuốc trên vùng da bị trầy xước.


Vì vậy để phát huy hiệu quả điều trị và hạn chế các tác dụng bất lợi của Corticoid, người bệnh chỉ nên dùng thuốc khi có chỉ định của bác sĩ, tuân thủ theo lệnh điều trị, tuyệt đối không tự ý mua thuốc điều trị, đặc biệt các loại thuốc nam, thuốc bắc không rõ nguồn gốc xuất xứ.

BSCKI. Dương Quốc Huy - Khoa Khám bệnh


Bệnh viện khám chữa bệnh BHYT tất cả các ngày trong tuần, kể cả thứ 7, chủ nhật.

Để được tư vấn và hỗ trợ giải đáp chi tiết, Quý khách có thể đăng ký trực tiếp tại Bệnh viện hoặc liên hệ qua số Hotline: 0916 698 115.

Theo dõi Fanpage để được giải đáp thắc mắc nhanh chóng:

https://www.facebook.com/BVDKSongThuongBacGiang

ĐĂNG KÝ KHÁM

Đặt hẹn ngay để nhận tư vấn và xếp lịch khám kịp thời.

Vui lòng nhập họ tên Vui lòng nhập số điện thoại

Chọn ngày khám bệnh

Gian hàng trực tuyến