2 lượt xem

BỆNH HO GÀ Ở TRẺ EM

Bệnh ho gà có nguy cơ cao gây ra biến chứng nghiêm trọng và thậm chí tử vong ở trẻ sơ sinh và trẻ em dưới một tuổi. Vắc xin đã làm giảm đáng kể số ca mắc bệnh và tỷ lệ nhập viện vì bệnh ho gà ở trẻ em tuy nhiên trẻ đã tiêm vắc xin vẫn có thể mắc bệnh do cơ thể không miễn dịch hoàn toàn với vi khuẩn vì vậy hãy đọc bài viết dưới đây để biết sự cần thiết của việc tiêm phòng và một số phương pháp điều trị bệnh.

BỆNH HO GÀ Ở TRẺ EM

1. Bệnh ho gà là gì?


Bệnh ho gà (Whooping cough - pertussis) hay còn được gọi là “cơn ho 100 ngày”, là một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do vi khuẩn Bordetella pertussis gây ra. Bệnh này đặc trưng bởi những cơn ho dữ dội và kéo dài, tiếng hít thở rít. Ban đầu, các triệu chứng giống như cảm lạnh thông thường, nhưng sau 1 đến 2 tuần có thể xuất hiện những cơn ho nghiêm trọng gây khó khăn trong việc ăn, uống và thở.


2. Nguyên nhân gây ra bệnh ho gà


Bệnh ho gà là do vi khuẩn Bordetella pertussis, một loại vi khuẩn gram âm không di động, gây ra. Vi khuẩn này lây lan chủ yếu qua các giọt bắn phát tán khi người bị nhiễm bệnh ho, hắt hơi, hoặc nói chuyện, khiến vi khuẩn có cơ hội xâm nhập vào đường hô hấp của những người xung quanh. Sau khi bám vào các tế bào niêm mạc, vi khuẩn này tiết ra độc tố pertussis, làm sưng tấy và kích ứng đường hô hấp, đồng thời gây ra tình trạng tăng tiết chất nhầy, làm tắc nghẽn các đường thở và gây ho dữ dội. Độc tố này cũng làm suy giảm chức năng của lông mao đường hô hấp, những cấu trúc giúp đẩy bụi bẩn và mầm bệnh ra ngoài, từ đó làm tăng nguy cơ và kéo dài thời gian nhiễm trùng.


Các cơn ho kéo dài và dữ dội, đặc biệt vào ban đêm, không những gây gián đoạn giấc ngủ mà còn khiến cho người bệnh khó thở, đôi khi dẫn đến tình trạng tím tái do thiếu oxy. Trong trường hợp nghiêm trọng, đặc biệt ở trẻ sơ sinh, việc tắc nghẽn đường hô hấp có thể dẫn đến các khoảng thời gian ngừng thở tạm thời gây nguy hiểm đến tính mạng.


3. Triệu chứng của bệnh ho gà


Triệu chứng của bệnh ho gà thay đổi tùy theo độ tuổi và khả năng miễn dịch của bệnh nhân, và chúng phát triển qua nhiều giai đoạn khác nhau:


Giai đoạn ủ bệnh: Trong khoảng từ 6 đến 20 ngày sau khi tiếp xúc với vi khuẩn, người bệnh thường không có triệu chứng rõ rệt.


Giai đoạn đầu (Catarrhal): Kéo dài khoảng 1-2 tuần. Trong giai đoạn này, các triệu chứng thường thấy như cảm lạnh, sốt nhẹ, ho nhẹ, chảy nước mũi, và có thể có triệu chứng ngừng thở tạm thời.


Giai đoạn kịch phát: là giai đoạn nặng nhất của bệnh, kéo dài từ 2 đến 8 tuần. Các cơn ho kéo dài và liên tục, kèm theo tiếng rít (giống tiếng gà kêu) khi thở vào. Các cơn ho này có thể khiến trẻ rất khó thở, da có thể chuyển sang màu tím do thiếu oxy. Các cơn ho này thường xảy ra nhiều vào ban đêm.Trẻ còn có thể gặp các biểu hiện như buồn nôn, vã mồ hôi nhiều, xuất huyết kết mạc, chảy máu cam, và mi mắt dưới bầm tím, mệt mỏi, kiệt sức.


Giai đoạn lui bệnh: Sau giai đoạn kịch phát, bệnh dần dần thuyên giảm. Trong giai đoạn này, triệu chứng ho bắt đầu giảm bớt, các cơn ho ngắn lại và ít nghiêm trọng hơn. Sốt và đau nhức cơ thể cũng dần biến mất. Tuy nhiên, hệ thống miễn dịch vẫn còn yếu nên trẻ có nguy cơ cao tái nhiễm các bệnh viêm đường hô hấp khác.


Với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ hơn, các triệu chứng có thể nghiêm trọng hơn bao gồm ngưng thở tạm thời, da chuyển sang màu tím, và thậm chí hôn mê hoặc tử vong trong trường hợp hiếm gặp. Trong khi đó, các trẻ lớn hơn và thanh thiếu niên đã được tiêm chủng thường trải qua các triệu chứng nhẹ hơn.


4. Biến chứng nguy hiểm của bệnh ho gà


Viêm phổi: Là biến chứng phổ biến nhất của ho gà, có tỷ lệ tử vong cao.


Ngừng thở: Trong trường hợp nghiêm trọng, ho gà có thể gây ra các cơn ngừng thở, đặc biệt là ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.


Co giật: Một số trẻ bị ho gà có thể phát triển các biến chứng thần kinh như co giật.


Bệnh lý về não: Vi khuẩn ho gà có thể gây ra các biến chứng liên quan đến não như viêm não và các tổn thương não khác, dẫn đến mất ngôn ngữ, liệt nửa người và các di chứng sau này.


Suy tim và suy hô hấp: Ho gà có thể gây tổn thương cho các mạch máu và hệ thống hô hấp, dẫn đến suy tim và suy hô hấp.


Rối loạn tiêu hóa: Một số trẻ bị ho gà có thể gặp các vấn đề tiêu hóa như nôn, ói và tiêu chảy, dẫn đến suy dinh dưỡng.


Tử vong: Trong những trường hợp nghiêm trọng nhất, ho gà có thể dẫn đến tử vong, đặc biệt là ở trẻ em dưới 2 tháng tuổi có hệ thống miễn dịch yếu và không đủ khả năng chống lại vi khuẩn.


5. Cách điều trị và biện pháp phòng ngừa bệnh ho gà


Một số cách điều trị bệnh ho gà ở trẻ em:


- Thuốc giảm đau và hạ sốt: Nếu cần, có thể sử dụng các loại thuốc giảm đau và hạ sốt như paracetamol hoặc ibuprofen để giảm đau và hạ sốt cho trẻ theo hướng dẫn của bác sĩ


- Sử dụng thuốc kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ giúp rút ngắn thời gian nhiễm trùng và ngăn chặn sự lây lan của bệnh.


- Nhập viện nếu cần thiết: Trẻ có các triệu chứng nặng như khó thở, ngưng thở, mất nước hoặc có nguy cơ mắc các biến chứng nghiêm trọng khác cần được nhập viện để điều trị tích cực. Đối với trẻ khó thở, bác sĩ có thể chỉ định sử dụng máy trợ thở hoặc oxy để hỗ trợ hô hấp.


- Chăm sóc tại nhà: Đảm bảo trẻ được nghỉ ngơi, uống đủ nước và có chế độ ăn uống đủ dinh dưỡng. Vệ sinh cá nhân và môi trường sống của trẻ thường xuyên để ngăn chặn sự lây lan của vi khuẩn, giúp trẻ nhanh chóng hồi phục.


Phương pháp phòng ngừa chính và hiệu quả nhất bệnh ho gà đó là tiêm vắc xin phòng bệnh cho trẻ đầy đủ và đúng lịch. Ngoài ra bố mẹ cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa khác như:


- Duy trì vệ sinh cá nhân cho trẻ: rửa tay bằng xà phòng và khử khuẩn đúng cách sau khi ở nơi đông người, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh


Tránh tiếp xúc với người bị ho gà: giữ khoảng cách và đeo khẩu trang khi ở nơi đông người hoặc cách ly với người thân bị bệnh ho gà


- Tăng cường hệ miễn dịch: đảm bảo chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, bổ sung các thực phẩm giàu vitamin như rau củ, trái cây…


Khi nhận thấy các triệu chứng của bệnh ho gà không có dấu hiệu thuyên giảm hoặc có hiện tượng bất thường hãy đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị kịp thời. Hãy liên hệ tới hotline của BVĐK Sông Thương:0916.698.115 để được tư vấn hỗ trợ và đặt lịch khám


ĐĂNG KÝ KHÁM

Đặt hẹn ngay để nhận tư vấn và xếp lịch khám kịp thời.

Vui lòng nhập họ tên Vui lòng nhập số điện thoại

Chọn ngày khám bệnh

Gian hàng trực tuyến

 slider
 slider
 slider