599 lượt xem

6 NGUYÊN TẮC CẦN LÀM KHI BIẾT MÌNH MẮC BỆNH UNG THƯ

Bạn bị ung thư! Đó là thông báo gây sốc đối với tất cả những ai nhận được. Nhưng xác định những điều cần làm khi biết mình ung thư mới là quan trọng.

6 NGUYÊN TẮC CẦN LÀM KHI BIẾT MÌNH MẮC BỆNH UNG THƯ

Ung thư là sự tăng sinh không kiểm soát của các tế bào liên quan đến quá trình phân chia, các tế bào này có khả năng xâm nhập, phá hủy các mô bình thường của cơ thể với tốc độ tùy thuộc vào loại ung thư, thể trạng người bệnh và các phương pháp điều trị.

Có hơn 200 loại ung thư khác nhau, phổ biến nhất là ung thư đại trực tràngung thư gan, ung thư cố tử cung (ở nữ giới)… với các triệu chứng từ nhẹ cho đến nặng, đa số giai đoạn đầu không có triệu chứng, chỉ phát hiện được một cách tình cờ qua khám sàng lọc.

Khi nhận tin bản thân mình bị mắc bệnh ung thư, người bệnh thường rơi vào trạng thái suy sụp tinh thần nghiêm trọng. Đây cũng là phản ứng tâm lý bình thường trong trạng thái cơ thể bất thường.

Vậy nên làm gì khi biết mình mắc bệnh ung thư? Dưới đây là một số nguyên tắc giúp người bệnh vượt được qua khó khăn, chủ động hơn trong mọi tình huống, bớt lo lắng, bớt sợ hãi.

1 - Nâng cao sự hiểu biết

Nếu biết mình mắc bệnh, bạn hãy dành thời gian để tìm hiểu trên các kênh thông tin chính thống, từ bác sĩ chuyên khoa, có thể mức độ không sâu nhưng phải "đến nơi đến chốn", không tìm hiểu "nửa vời", vì như vậy sẽ càng gây hoang mang.

Khi bạn hiểu về bệnh của mình, việc theo dõi sẽ sát sao hơn, các dấu hiệu nguy hiểm sẽ được nhận biết sớm để có biện pháp can thiệp kịp thời.

Làm gì khi biết mình mắc bệnh ung thư? - Ảnh 1.

Phải nâng cao sự hiểu biết về căn bệnh của mình, sẽ giúp bạn chủ động hơn trong mọi tình huống, bớt lo lắng, bớt sợ hãi.

Sự hiểu biết sẽ giúp bạn chủ động hơn trong mọi tình huống, bớt lo lắng, bớt sợ hãi và không bất ngờ, như vậy công việc điều trị sẽ thuận lợi hơn. Thậm chí là chủ động chuẩn bị tinh thần để đối diện với những tình huống không mong muốn. Hãy làm chủ căn bệnh, đừng để nó kiểm soát bản thân mình.

Hiểu biết là trí tuệ, là sức mạnh tinh thần, hãy sử dụng nó để chuyển hóa nỗi đau thành nguồn năng lượng tích cực, lan tỏa đến với mọi người, một khi nhiều người cùng đồng cảm cùng bạn, bạn lại được tiếp thêm sức mạnh để vượt qua bệnh tật.

2 - Tham gia vào quá trình điều trị

Sự hiểu biết sẽ giúp chúng ta có thể cùng tham gia với bác sĩ trong quá trình điều trị, chúng ta sẽ cùng thảo luận, cùng nghiên cứu, cùng tiên lượng và cùng nhau đưa ra các quyết định. Chính sự tự tin và hợp tác sẽ giúp quá trình điều trị đi theo đúng kế hoạch và hiệu quả sẽ tốt hơn.

Hợp tác ở đây còn có nghĩa là sự tuân thủ tuyệt đối theo kế hoạch điều trị mà bác sĩ đã đưa ra, và chúng ta phải cùng chia sẻ, chấp nhận các biến chứng nảy sinh trong quá trình phẫu thuật, sử dụng thuốc, hóa chất hoặc tia xạ.

Làm gì khi biết mình mắc bệnh ung thư? - Ảnh 2.

Phải mạnh mẽ hơn, phải nhận biết và phát huy các sức mạnh tiềm tàng trong bản thân mình, chủ yếu là sức mạnh về tinh thần.

3 - Giữ vững niềm tin và phát huy sức mạnh sẵn có

Chúng ta vốn đã có rất rất nhiều thứ mà chúng ta không hề nhận ra, cho nên trong cuộc sống, làm việc bạn luôn cảm thấy thiếu thốn, bức bách, bất tiện, mặc cảm… Hơn lúc nào hết, bây giờ hãy tạm gác qua mọi chuyện để tự ngẫm lại những gì mình đã có, đang có và sắp có, hẳn là rất nhiều đấy! Và bạn hãy nắm giữ lấy nó, nó sẽ giúp ích rất nhiều cho hành trình tiếp theo trong cuộc đời bạn.

Phải mạnh mẽ hơn, phải nhận biết và phát huy các sức mạnh tiềm tàng trong bản thân mình, chủ yếu là sức mạnh về tinh thần. Đừng bao giờ từ bỏ hy vọng, chúng ta phải thật sự đặt niềm tin vào bản thân, gia đình và những người xung quanh để kiến tạo nên những điều bất ngờ trong tương lai.

4 - Chia sẻ với mọi người

Hãy chia sẻ công việc cũng như sinh hoạt vào cuốn nhật ký, hãy gửi gắm vào đó các tâm tư tình cảm, các câu hỏi, các nhận xét, các khó khăn, các nguyện vọng của mình… Điều này có thể bạn chưa từng làm trước đó, nhưng bây giờ thì đừng chần chừ, việc này sẽ giúp bạn quên đi những cơn đau, có niềm tin và động lực để sống tốt hơn. Nên nhớ, đừng bao giờ đưa vào những cảm xúc "âm tính", mà phải gửi gắm và lan tỏa những năng lượng tích cực.

Khi bạn cảm thấy quá hoang mang hay sợ hãi về một chuyện gì đó mà bạn cho là chẳng lành, hãy chia sẻ chuyện đó với mọi người, càng nhiều người càng tốt, lúc đó tinh thần sẽ được cởi mở và thoải mái hơn rất nhiều, lúc này bạn có quyền tin rằng: "điềm gở" sẽ được "hóa giải"

Vì thế, việc tìm những người bạn đồng hành trở nên vô cùng quan trọng và cần thiết, nó sẽ tiếp sức cho bạn rất nhiều trên bước đường điều trị tiếp theo. Nên nhớ "gừng càng già càng cay", nên chọn những người bạn đồng hành từng trải, càng có nhiều kinh nghiệm càng tốt. Bạn phải hiểu rằng: Một khi bị cơn đau giày vò, bạn không hề cô đơn, và niềm tin chính là bến bờ đang ở ngay phía trước.

5 - Chuyển sang trạng thái "bình thường mới"

Có nghĩa là sống chung với bệnh. Đôi khi cũng cần chấp nhận một thực tế là bệnh không thể chữa khỏi buộc chúng ta phải sống chung với nó, hòa thuận với nó và chuyển dần cơ thể và tinh thần sang trạng thái "bình thường mới".

Lúc này, cuộc sống của bạn, cụ thể là sinh hoạt, học tập, rèn luyện và làm việc sẽ có sự thay đổi để phù hợp với hoàn cảnh mới, tùy theo loại bệnh của mình mà bác sĩ của bạn sẽ tư vấn cụ thể cho bạn, mục đích là sống "hòa bình" với nó và làm giảm tối đa sự tác động của nó đến sức khỏe thể chất và tinh thần của bạn.

Nên nhớ: Sống chung với bệnh không có nghĩa là từ bỏ hy vọng hoặc buông xuôi mặc cho số phận, mà nên xem đó như một chiến lược thông minh để dành thêm thời gian cho niềm tin và những đột phá của y học.

Làm gì khi biết mình mắc bệnh ung thư? - Ảnh 3.

Sự hình thành của ung thư.

6 - Đề phòng bệnh tái phát

Nếu như bạn đã trải qua một cuộc phẫu thuật triệt căn, hoặc đã đẩy lùi được căn bệnh này, bên cạnh niềm phấn khởi thì chúng ta cần phải khởi động ngay tức khắc các kế hoạch phòng ngừa, giống như những liều vaccine "tiêm càng sớm càng tốt" nhằm ngăn chặn bệnh tái phát và duy trì tình trạng bình thường mới của cơ thể.

Vậy kế hoạch đây là gì? Điều này còn tùy thuộc vào loại bệnh ung thư, giai đoạn của bệnh, tình trạng sức khỏe chung và điều kiện hiện có.

Ung thư là một trong những căn bệnh nan y không còn đáng sợ như trước nữa, đã có nhiều phương pháp điều trị nhằm triệt căn hoặc tạm thời nhằm hạn chế sự phát triển của tế bào ung thư.

Quá trình điều trị ung thư cần có sự hợp tác đắc lực của người bệnh và người nhà. Hơn hết nào hết, lúc này chúng ta cần bình tĩnh, hiểu biết, giữ vững niềm tin để cùng với bác sĩ, cùng với người bạn đồng hành vượt qua cơn sóng gió.

Với trạng thái bình thường mới này, cuộc sống của bạn có thể có nhiều thay đổi, thậm chí là đảo lộn, lúc này hãy tự tin xem ý chí, bản lĩnh và nghị lực chính là bản chất vốn có của mình, và ta sẽ vượt qua tất cả, sẽ luôn yêu đời, phải sống tích cực hơn, thậm chí sẽ có nhiều đóng góp cho xã hội hơn.

Không có gì là không thể, hãy tin về những điều kỳ diệu, "30 chưa phải là Tết", những bất ngờ chỉ có thể sẽ đến với những ai biết nâng niu các giá trị tinh thần và chuyển hóa nó thành nguồn năng lượng hữu ích cho cuộc sống.

Cuối bài, xin tặng cho những người mắc bệnh một câu nói rất hay trích từ một bộ phim truyền hình đã lâu mà người viết không nhớ được: "Khi ta nắm chặt tay, thì chỉ nắm được không khí, khi ta vươn tay lên thì chạm cả đất trời".


Theo dõi fanpage để được giải đáp thắc mắc nhanh chóng: https://www.facebook.com/BVDKSongThuongBacGiang


ĐĂNG KÝ KHÁM

Đặt hẹn ngay để nhận tư vấn và xếp lịch khám kịp thời.

Vui lòng nhập họ tên Vui lòng nhập số điện thoại

Chọn ngày khám bệnh

Gian hàng trực tuyến

 slider
 slider
 slider